Trong khuôn khổ Hội thảo Smart21 của ICF diễn ra từ ngày 23-25/02/2021 do thành phố Maple Ridge và thị trấn Langley, British Columbia, Canada phối hợp tổ chức được kết nối trực tuyến đến trụ sở chính của ICF tại thành phố New York, Mỹ và các thành phố khác trên thế giới, rạng sáng ngày 25-02 (giờ Việt Nam), Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu trên thế giới. Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách này, khẳng định hướng phát triển TPTM Bình Dương là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới.
Việc lựa chọn khu vực, thành phố đạt Smart21 năm 2021 bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2020, dựa trên các tiêu chí khắt khe của ICF liên quan đến sự thịnh vượng đồng đều về kinh tế, xã hội và sự phong phú về văn hóa, cùng nhau tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và kiên cường.
Như vậy, Bình Dương một lần nữa khẳng định mình trong danh sách 21 vùng thông minh của thế giới trước những thách thức lớn mà hầu hết các quốc gia phải đối mặt trong năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các cộng đồng thông minh vẫn tập trung triển khai thực hiện các dự án đã đề ra với mục tiêu hướng đến sự hòa nhập, đa dạng và tiến bộ kinh tế trong một thế giới hậu Covid-19.
Cụ thể, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội nhưng các cơ quan, đơn vị tỉnh Bình Dương vẫn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong xây dựng thành phố thông minh (TPTM). Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường sáng tạo, thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn trong tất cả các ngành, các cấp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên phát triển Khu công nghiệp Khoa học - công nghệ; xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng, logistics thông minh, thương mại điện tử xuyên biên giới; thu hút các doanh nghiệp và viện, trường trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng về công nghệ thông tin, truyền thông và sản xuất tiên tiến, thúc đẩy xây dựng hệ thống ICT…; tiếp tục triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, Chính quyền điện tử, cải cách hành chính và dịch vụ công, đặc biệt là trong hỗ trợ người dân; phát triển từng bước Trung tâm điều hành TPTM, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, khởi đầu bằng Hệ thống đường dây nóng 1022 là đầu mối tiếp nhận và phản hồi kịp thời thông tin cho người dân qua nhiều kênh, phương tiện.
ICF là một mạng lưới toàn cầu kết nối với hơn 180 thành phố từ khắp nơi trên thế giới được công nhận là cộng đồng thông minh, hợp tác phát triển kinh tế và xã hội cũng như chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn để thúc đẩy sự phát triển của thành phố. ICF nghiên cứu các tiêu chí để xây dựng một khung thông minh cho cộng đồng phát triển.
Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành viên của ICF vào năm 2018, mở ra cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn với cộng đồng thông minh toàn cầu nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Eindhoven (Hà Lan), hợp tác với Brainport Group (Hà Lan) và Tổng Công ty Becamex IDC cũng như nhiều đơn vị khác, nhiều hội thảo và chuyến thăm thực địa đã được tổ chức, các ý kiến được thu thập từ các chuyên gia, cuối năm 2016 tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án TPTM Bình Dương với hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương. Sau 04 năm triển khai thực hiện, Đề án TPTM Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điển hình là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, ba năm liền 2019, 2020 và 2021, Bình Dương được vinh danh trong 21 địa phương có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới.
Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án, Bình Dương tiếp tục triển khai Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững. Đây được xem là "bàn đạp" giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.
Trong giai đoạn 2020-2030, Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region" là một mô hình hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương với sự vận dụng và đúc kết từ những thành tựu của các vùng đổi mới sáng tạo như Deajeon - Daedeok Innopolis (Hàn Quốc), Brainport Eindhoven (Hà Lan). Đây cũng là nội dung trọng tâm trong xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương cho giai đoạn tiếp theo, là đề án đột phá tích hợp bao gồm các khu vực chức năng như văn phòng quản lý trung tâm; đô thị khoa học; Khu công nghiệp Khoa học công nghệ; Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC).