Tạo động lực để bứt phá
Năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ và cách làm, tạo đột phá để phát triển, đã đưa Bình Dương từ tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển, là điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chiếm gần 88% trong cơ cấu kinh tế; toàn tỉnh hiện có 34.407 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 276 nghìn tỷ đồng và 3.430 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 31,3 tỷ USD; hạ tầng công nghiệp được hoàn thiện với 29 khu công nghiệp, diện tích 12.743 ha và 12 cụm công nghiệp có diện tích gần 800 ha, đến năm 2020, toàn tỉnh có 34 khu công nghiệp với diện tích 14.790 ha.
Bình Dương cũng là địa phương chủ động xây dựng hạ tầng giao thông kết nối tốt với các tỉnh, thành phố ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thông qua các tuyến giao thông quan trọng như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13 rất thuận lợi kết nối với 11 cảng biển ở khu vực và sân bay quốc tế. Sự phát triển của tỉnh làm thay đổi nhanh bộ mặt đô thị theo quá trình công nghiệp hóa, tác động tích cực đến đời sống an sinh xã hội, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2017 đạt 120 triệu đồng/người; toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, Bình Dương cũng đang đối mặt với nhiều thách thức bởi các ngành công nghiệp sản xuất đang dần nâng cao yêu cầu, trong khi kinh tế Bình Dương vẫn còn dựa nhiều vào sản xuất truyền thống và thâm dụng lao động kéo theo bùng nổ dân số cơ học; giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức của nhiều sản phẩm làm ra còn thấp…
Trước thực trạng đó, đòi hỏi tỉnh phải tìm ra giải pháp tối ưu nhất giúp hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa nhằm chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mang tính đột phá và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, chuẩn bị hiệu quả cho sự phát triển công nghệ tiên tiến và bền vững, hướng đến mục tiêu duy trì lợi thế trong thu hút FDI, nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế và GDP cho tỉnh nhà.
Quá trình xem xét các kinh nghiệm quốc tế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) rất quan tâm đến mô hình phát triển TPTM của khu vực Brainport - Eindhoven (Hà Lan), trong đó lấy hợp tác “ba Nhà” giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp làm trọng tâm, các bên cùng chia sẻ kiến thức, nguyện vọng, và từ đó cùng xây dựng kinh tế - xã hội của vùng phát triển. Dựa trên những điểm tương đồng giữa Becamex - Bình Dương và Brainport - Eindhoven, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định, việc Bình Dương ứng dụng mô hình hợp tác “ba Nhà”, từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, hướng đến xây dựng thành công TPTM.
Tháng 11-2016, Đề án TPTM Bình Dương được phê duyệt, đây là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn 2030, hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đặt ra những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức.
Lấy con người là trọng tâm
Hiện nay, xu hướng chung về đô thị hóa trước sức ép phát triển đòi hỏi đặt ra một chiến lược lâu dài hài hòa dựa trên lợi ích chung, mà giải pháp xây dựng TPTM là hướng đi bền vững, tạo ra cách tiếp cận nhanh hơn. Với cách tiếp cận này, dựa trên kết quả sự sáng tạo của chính quyền, doanh nghiệp, các nhà khoa học nhằm xây dựng thành phố đáng sống trong tương lai cũng như đặc thù và thế mạnh với nhiều điểm thuận lợi để xây dựng thành công TPTM, tỉnh Bình Dương có điều kiện thích hợp để xây dựng TPTM ít tốn kém và hiệu quả.
Phân tích hướng xây dựng TPTM của Bình Dương, TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương cho biết: Dựa trên tiềm lực công nghiệp, cơ sở hạ tầng và những đô thị mới đã được quy hoạch theo chuẩn quốc tế, Bình Dương lựa chọn hợp tác chiến lược với thành phố Eindhoven (Hà Lan), thực hiện triển khai hai cơ chế, bốn lĩnh vực, sáu tiêu chí, trong đó lấy mô hình “ba Nhà” làm chủ đạo để phát triển một cách đồng bộ, bền vững, đặt trọng tâm là con người và doanh nghiệp, đưa nền kinh tế chuyển dần sang dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, xây dựng một môi trường sống năng động sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng giá trị gia tăng và từng bước vươn tới TPTM theo tiêu chí của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF, đón làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành TPTM Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Đề án TPTM Bình Dương nằm trong năm chương trình hành động mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, là tìm ra phương pháp đi nhanh hơn, có cách tiếp cận thông minh hơn với mục tiêu cuối cùng là thực hiện tốt các chương trình hành động về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển đô thị văn minh, giàu đẹp; phát triển dịch vụ hàm lượng tri thức cao phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị; huy động các nguồn lực để đổi mới thu hút đầu tư, nâng tầm quốc tế thương hiệu Bình Dương. Đối với Bình Dương, TPTM có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. TPTM Bình Dương còn nhấn mạnh những tầm nhìn lớn tạo đột phá, đổi mới toàn diện, trong đó con người là trọng tâm.
Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-10 tại tỉnh Bình Dương. Hội nghị sẽ đón tiếp lãnh đạo UNESCO cùng đại diện thành viên WTA là các thị trưởng, các chủ tịch trường đại học - viện nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hội nghị sẽ diễn ra nhiều phiên họp, hội thảo giữa các thị trưởng, phiên họp các lãnh đạo trường đại học, viện nghiên cứu, các thành viên WTA; trong đó tiêu biểu là Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu đồng tổ chức bởi UNESCO, WTA, thành phố Đê-giơn và tỉnh Bình Dương. Hội nghị còn có Hội chợ triển lãm công nghệ cao dành cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ trên khắp thế giới và cuộc thi sáng kiến TPTM tổ chức tại Việt Nam và Hàn Quốc. |
Thành viên của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới Tháng 8/2018 vừa qua, tại thành phố Đê-giơn (Hàn Quốc), Chủ tịch Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) đã trao Chứng nhận Bình Dương là thành viên của WTA. WTA là một tổ chức quốc tế đa phương, được thành lập từ năm 1998 tại thành phố Đê-giơn (Hàn Quốc), với mục đích kết nối các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để hỗ trợ phát triển vùng/ khu vực ít phát triển hơn; tăng cường phát triển song phương, đa phương, đẩy mạnh và kích hoạt phát triển kinh tế khu vực thông qua các hoạt động trao đổi và hợp tác giữa các thành phố khoa học cũng như đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nhân loại thông qua các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng đến việc phát triển các đô thị khoa học bền vững và quản trị các thành phố khoa học trong bối cảnh toàn cầu. WTA hiện có 106 thành viên từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. WTA đã và đang thực hiện các dự án hợp tác Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) - WTA hướng đến việc phát triển các đô thị khoa học bền vững và quản trị các thành phố khoa học trong bối cảnh toàn cầu. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng, việc Bình Dương trở thành thành viên của WTA có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tỉnh đang xây dựng TPTM. Sự kiện này là dấu ấn quan trọng, mang tính đột phá đối với Bình Dương. Trở thành thành viên WTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho Bình Dương trong hợp tác quốc tế, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đây sẽ là cơ sở để Bình Dương thúc đẩy giao lưu với các đô thị khoa học trên khắp thế giới, trao đổi nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, trình độ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến, chia sẻ các chiến lược phát triển, góp phần to lớn vào chương trình đột phá toàn diện kinh tế - xã hội của Bình Dương, hướng tới trở thành đô thị thông minh, năng động sáng tạo với nền kinh tế dịch vụ - sản xuất công nghệ cao. |