Aa

Muốn xây đô thị thông minh, cần bắt đầu từ đâu?

Thứ Năm, 20/09/2018 - 08:01

Cách mạng công nghệ 4.0 đang đưa loài người đến những tiện ích thông minh trên mọi lĩnh vực của đời sống, từ những phương tiện đi lại, đồ dùng và cả nơi ở.

Do đó, thuật ngữ “TP thông minh” đã trở nên quen thuộc, hướng tới xây dựng TP thông minh để phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân là mục tiêu của các đô thị hiện nay.

Xây dựng đô thị cần phải có sự kết nối giữa hạ tầng đô thị và hạ tầng viễn thông (Phối cảnh khu đô thị thông minh Nhật Tân - Nội Bài).

Xây dựng đô thị cần phải có sự kết nối giữa hạ tầng đô thị và hạ tầng viễn thông (Phối cảnh khu đô thị thông minh Nhật Tân - Nội Bài).

Khó khăn trong xây dựng

Theo PGS.TS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó Cục trưởng Cục phát triển hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng), các đô thị ở Việt Nam, kể cả những đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... tiện ích đô thị mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin (mạng internet, cáp, truyền hình) ở mức đơn giản, tiện ích thông minh chưa được ứng dụng rộng rãi.

Đô thị thông minh là đô thị có cơ sở hạ tầng bao gồm: Nhà cửa, văn phòng, xe hơi, các phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện, trường học, năng lượng và các trang thiết bị đều được kết nối thông qua cơ sở hạ tầng mạng vô tuyến và hữu tuyến vào mạng internet. Internet phát triển thành một “mạng lưới kết nối mọi thứ” (internet of things). Các hoạt động thông qua hệ thống mạng sẽ nâng cao hiệu suất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống cộng đồng, nâng cao năng suất làm việc của con người.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông), ở Việt Nam phát triển thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị với hạ tầng viễn thông. Hạ tầng viễn thông và hạ tầng thông tin chưa có sự kết nối với nhau, vẫn đi theo con đường mạnh ai nấy làm.

Bên cạnh đó, các công trình xây dựng mới, hạ tầng viễn thông kết nối cũng không được quan tâm đúng mức, chính sự không đồng bộ này đã làm cho quá trình xây dựng đô thị thông minh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hạ tầng xã hội xây dựng mới cũng chưa có sự kết nối với nhau thông qua hệ thống hạ tầng viễn thông cũng là một rào cản không nhỏ.

“Nhiều chủ đầu tư các tòa nhà, khu đô thị hiện cũng chưa xây dựng được bộ phận quản trị chuyên trách về công nghệ thông tin để vận hành hệ thống quản lý thông tin, truyền dẫn trong tòa nhà”, ông Nguyễn Thanh Tuyên nói.

Bắt đầu từ thiết kế quy hoạch

Theo Ths.KTS Nguyễn Anh Tuấn - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn xây dựng TP thông minh, việc đầu tiên phải đầu đầu từ công tác lập và thiết kế quy hoạch. Có được tầm nhìn về đô thị thông minh sẽ giúp Việt Nam có được những định hướng đúng đắn trong quá trình xây dựng và phát triển, tuy nhiên trong quá trình xây dựng những đô thị thông minh, Việt Nam cần cụ thể hóa từng giai đoạn, qua đó chỉ rõ các vấn đề cần giải quyết, phù hợp với nguồn lực hiện có.

Ở Việt Nam, tỷ lệ tăng dân số đô thị lớn hơn nhiều tỷ lệ tăng dân số đô thị trung bình của cả thế giới. Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng và liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Diện tích đất đô thị đã tăng từ 630km2 vào năm 1998 lên mức hơn 41.700km2 vào năm 2016 và hiện nay, dân số đô thị của Việt Nam đạt khoảng 36,6% tương đương với 34 triệu dân. Ước tính đến năm 2020 có khoảng 42% tương đương 40 triệu dân Việt Nam sống trong các khu vực đô thị. Kết quả là không gian các đô thị được mở rộng một cách mạnh mẽ trên khắp cả nước và ở các đô thị hiện hữu mật độ công trình và con người ngày càng bị nén lại.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nơi các thiết bị thông minh và kết nối, đưa tương lai đô thị gắn liền đô thị thông minh, xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Chính phủ cũng mong muốn đất nước phát triển theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh để đạt được những hiệu quả tối ưu.

Xây dựng các đô thị thông minh thì cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản như: Phục vụ chính quyền thông minh, con người thông minh, giao thông và hạ tầng kỹ thuật thông minh, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh bền vững, kiểm soát môi trường và năng lượng, nền kinh tế số tăng trưởng và bền vững...

“Chỉ ra được các vấn đề cần phải xây dựng và phát triển cho đô thị thông minh, hơn hết yếu tố thiết kế và quản lý quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu, để xây dựng nền tảng cho các ứng dụng mà đô thị thông minh cần có”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top