Aa

Bình ổn giá vật liệu, tránh tăng nóng cục bộ giá nhà

Thứ Tư, 01/09/2021 - 17:00

Với tình trạng nguồn cung khan hiếm lại thêm “cú bồi” COVID-19 càng khiến thị trường bất động sản (BĐS) “lệch pha”.

Trên thị trường, theo báo cáo của Bộ Xây dựng trong quý II/2021, ngay cả trong lúc dịch bệnh nhưng giá nhà tại một số tỉnh như TP.Hà Nội, TPHCM vẫn tăng. Các chuyên gia nhận định, cần có biện pháp để đáp ứng nhu cầu, tránh tình trạng giá đẩy lên quá cao.

Khó tìm căn hộ giá rẻ trên thị trường

Gia đình anh Hoàng Văn Vững (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) muốn tìm mua một căn hộ khoảng 75m2 ở dự án đang triển khai từ chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc tìm dự án theo nhu cầu của gia đình anh Vững không hề dễ dàng do thị trường có quá ít dự án đang triển khai có mức giá trung bình (từ 25 - 30 triệu đồng/m2). Trong 6 tháng qua, vợ chồng anh Vững đi hàng chục địa điểm cuối cùng lựa chọn một căn hộ ở chung cư ở Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) liền kề với huyện Hoài Đức.

Thực trạng khan hiếm nguồn cung vốn đã rất "đau đầu" trong giai đoạn năm 2019, tới nay dưới tác động từ làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, vấn đề này càng trở nên phức tạp. Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam - cho biết, nhu cầu về BĐS của người dân rất lớn, bao gồm cả nhu cầu an cư lẫn đầu tư. Trong khi đó, lượng cung lại eo hẹp.

Ngoài nguyên nhân từ vấn đề pháp lý, theo ông Đính, hiện nay do dịch bệnh phức tạp khiến tiến độ ra hàng của nhiều chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Điều này đặt ra lo ngại thị trường không chỉ thiếu hàng giai đoạn này mà còn ở giai đoạn tiếp theo. Cũng theo vị này, sự lệch pha cung - cầu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá BĐS "miễn nhiễm" với dịch bệnh và xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn.

Cùng chung nhận định, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam - cho biết, nguồn cung thị trường BĐS đang khan hiếm trong khi lực cầu còn rất cao. Theo thống kê của CBRE, vì nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu đầu tư, an cư vẫn cao, khả năng chi trả của người dân vẫn có nên giao dịch ghi nhận 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng khá tốt. Trong đó lượng căn hộ bán được của TPHCM tăng 28%, Hà Nội tăng 20%.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý II/20211 được nhận định là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng. Lý do cụ thể của việc tăng giá này là cơ sở hạ tầng được phát triển, và quan trọng hơn là chất lượng dự án được cải thiện. Tổng hợp số liệu từ các địa phương cũng cho thấy, trong quý II, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng... có 29.949 giao dịch BĐS thành công; tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18%, bằng với quý trước và nhỉnh hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tránh tăng nóng cục bộ

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu nhà đất có giảm giá sau đợt dịch này hay không? Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thể có câu trả lời chính xác, nhưng đa số chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng giá khó có chuyện đi xuống khi áp lực đầu vào của BĐS đang tăng. Bà Dương Thùy Dung chỉ ra rằng, ngoài lý do về khan hiếm nguồn cung, giá BĐS cũng đang chịu áp lực tăng giá do giá đất tăng, chi phí nguyên vật liệu tăng (giá thép tăng 40-50%, nhiều loại khan hiếm dù giá tăng cao - PV), chi phí lưu thông, nhân công cũng tăng.

Bên cạnh việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đánh giá, vấn đề pháp lý của đất, nhiều mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai, các cuộc thanh kiểm tra các dự án BĐS cũng là nguyên nhân làm thị trường thiếu hụt các dự án mới. “Không gỡ các vấn đề về pháp lý cho các dự án BĐS sẽ tác động đến thị trường trong trung hạn. Những năm tới thị trường BĐS sẽ thiếu cung, giá sẽ tiếp tục tăng theo quy luật của thị trường” - GS Đặng Hùng Võ nói.

Khi bàn về thị trường BĐS giai đoạn này, có hai vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là xu hướng người mua có sự thay đổi gì và liệu thị trường có "nóng" trở lại như những gì đã diễn ra hồi cuối năm 2020 và đầu năm nay. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn - mới đây đưa ra một khảo sát khá thú vị từ việc thống kê dữ liệu. Trong đó có thay đổi hành vi của người tìm kiếm BĐS sau mỗi lần dịch bùng phát. Cụ thể, đợt bùng dịch lần đầu diễn ra đầu năm 2020, mức độ tìm kiếm BĐS giảm mạnh. Nhưng ngay sau đó, khi dịch được kiểm soát thì có sự phục hồi vô cùng mạnh, tăng tới 306%. Lần bùng dịch thứ 3, mức độ đạt đỉnh với lượt quan tâm tăng 378% trong tháng 3/2021.

“Đến lần thứ 4 cũng vậy, lượng quan tâm vẫn cao hơn đa phần các giai đoạn năm 2020. Thực tế sự quan tâm tới BĐS luôn tồn tại, không biến mất, chỉ ảnh hưởng do dịch nhưng trong thời gian ngắn” - ông Quốc Anh nhận định.

Trước tình hình về khả năng giá nhà bị đẩy lên cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá - vừa yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng. Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến của thị trường BĐS, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá BĐS trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top