Bitexco và cú lừa ngoạn mục
Chỉ còn 6 ngày nữa là Đại hội đồng cổ đông của Công ty Du lịch Hương Giang chính thức diễn ra. Thế nhưng, ngày 25/5, phía Bitexco đã phải buộc phải phát ra thông báo về những lùm xùm của mình tại Công ty Du lịch Hương Giang trước thềm Đại hội, cũng như trước nguy cơ vị Chủ tịch HĐQT của Bitexco sẽ không còn nằm trong HĐQT của doanh nghiệp du lịch nổi tiếng này.
Trước đó, ngày 22/05, báo cáo kiểm soát của Công ty Du lịch Hương Giang đã “phơi bày” về sự thật của Bitexco khi doanh nghiệp này bị siết nợ cổ phần. Cụ thể, báo cáo kiểm soát cho biết, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông Bitexco đã giảm từ 41,74% xuống 9,11%, trong đó, cổ đông hiện hữu Crystal Treasure nhận chuyển nhượng 3,76% và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 45,5%, hai cổ đông mới là Công ty TNHH Tấn Trường và Công ty TNHH Thạch Anh Trắng mua lần lượt 20% và 8,87% cổ phần. Lý do cổ phần của Bitexco bị chuyển cho Crystal Trasuer là để “xử lý cổ phần thế chấp”.
Trao đổi với Nhadautu.vn, sáng 25/5, Phó TGĐ Công ty Du lịch Hương Giang, ông Lê Bá Giang cho biết, Bitexco đã nhiều năm thế chấp cổ phiếu ở Crystal Treasure. "Đến hạn trả nợ rồi, phía Crystal đòi 1 lần, 2 lần, 3 lần gì đấy mà bên Bitexco không trả được thì họ siết nợ thôi. Như anh đi vay mà không trả thì họ cũng siết nợ, thu tài sản bảo đảm của anh vậy" - Ông Lê Bá Giang nói.
Trước những công bố của Công ty Du lịch Hương Giang, Bitexco đã phản pháo cho rằng, việc xử lý cổ phần thế chấp của doanh nghiệp này là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam. Bitexco cho biết, đã báo cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền và nhấn mạnh quan điểm không công nhận giá trị pháp lý của bất cứ Nghị quyết, Quyết định nào của HĐQT và Đại hội đồng cổ đông của Hương Giang trên cơ sở danh sách cổ đông nói trên.
Đáp trả lại thông tin của Bitexco về việc "siết nợ cổ phần", trả lời báo chí, đại diện phía Hương Giang cũng khẳng định, nếu thấy quyền lợi bị ảnh hưởng, Bitexco có thể kiện ra toà.
Báo cáo kiểm soát của Công ty Du lịch Hương Giang đã phơi bày những sự thật ẩn khuất trong cuộc mua bán cổ phần giá rẻ của Bitexco trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược. Theo như sự việc mà báo cáo kiểm soát thông báo cũng như phía Bitexco thông tin, doanh nghiệp này đang bị siết nợ từ Công ty Crystal Treasure. Nhưng, cách đây hơn 1 tháng, trả lời PV Reatimes trước câu hỏi “Tại sao chỉ sau 3 tháng mua cổ phần của Công ty Du lịch Hương Giang, Bitexco đã chuyển nhượng lại cổ phần cho Công ty Crystal Treasure”, đại diện Bitexco khẳng định: "Crystal Treasure là đối tác chiến lược của Bitexco nên việc chuyển nhượng không ảnh hưởng đến vai trò là nhà đầu tư chiến lược".
Chỉ có hơn 1 tháng mà từ “đối tác chiến lược”, Bitexco lại trở thành doanh nghiệp thế chấp cổ phần cho Công ty Crystal Treasure. Rõ ràng là một tập đoàn lớn nhưng những phát ngôn bất nhất cùng hành động đi ngược lại với tuyên bố của mình đã khiến dư luận phải đặt ra dấu hỏi về doanh nghiệp này. Thế mới thấy, Thừa Thiên Huế đang phải gánh một cú lừa ngoạn mục khi đã lựa chọn Bitexco là nhà đầu tư chiến lược, để rồi sẵn sàng thoái trọn số cổ phần của mình cho doanh nghiệp này với mức giá quá rẻ, không thông qua đấu thầu. Đã thế, gần 3 năm qua, Bitexco đã tạo ra không ít những lùm xùm khi chuyển nhượng cổ phần bất thường và mới đây nhất là bị siết nợ cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang.
Bitexco liên tục dính tai tiếng
Giữa tháng 4/2019, Bitexco đã có những phàn nàn về chính quyền TP.HCM liên quan tới dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa (gọi tắt là dự án Bình Quới - Thanh Đa). Trước thông tin Bitexco rút khỏi vai trò nhà đầu tư tại dự án này, đại diện của doanh nghiệp cho hay, phía chính quyền TP.HCM chưa có văn bản trả lời chính thức rằng, "Bitexco không được làm chủ đầu tư dự án Bình Quới - Thanh Đa vì lý do gì. Trong khi, tất cả các yêu cầu của sở, ban ngành TP.HCM Bitexco đáp ứng hết, như làm các loại hồ sơ theo yêu cầu thẩm định và các cuộc họp liên ngành đều đã có”.
Trước đó, tháng 02/2019, Bitexco cũng dính vào lùm xùm khi Saigontourist có đơn “cầu cứu” ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM về tình trạng thoái vốn tại khách sạn Saigon Morin (tỉnh Thừa Thiên Huế) trước sức ép của Tập đoàn lớn này. Theo đó, kể từ thời điểm trở thành cổ đông lớn của Công ty Du lịch Hương Giang, Bitexco liên tục ép Saigontourist thoái vốn khỏi khách sạn Saigon Morin, bất chấp chủ trương mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra về việc tiếp tục gia hạn hợp tác giữa hai bên. Đã thế, dù Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu phía Bitexco thực hiện trả giá khách sạn Saigon Morin theo đúng phương pháp định giá thị trường nhưng Bitexco lại "phớt lờ". Dù vụ mua bán cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang đã được thanh tra Chính phủ vào cuộc, thế nhưng, từ đó đến nay đã hơn nửa năm vẫn chưa có kết luận.
Không chỉ dính những tai tiếng tại TP.HCM, Huế mà tại Hà Nội, dự án The Manor Central Park của Bitexco được thực hiện theo hình thức BT cũng vướng vào nhiều nghi ngại. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã phải vào cuộc và đưa ra kết luận về việc chậm tiến độ đặc biệt là tính toán sai đơn giá trong hợp đồng BT.
Và đến bây giờ, Bitexco lại càng khiến dư luận phải thất vọng khi doanh nghiệp này đã đi trái với vai trò của một nhà đầu tư chiến lược bằng việc, 3 tháng sau bán cổ phần của Hương Giang để thu tiền và gần 3 năm sau, bị siết nợ cổ phần. Có vẻ như Bitexco đang rơi vào tình trạng... "thiếu": thiếu cả tiền mà phải siết nợ, thiếu làm ăn đàng hoàng khi bất nhất trong phát ngôn và hành động đến thiếu cả danh dự của một doanh nghiệp lớn.