Đó là bình luận mới nhất của hãng tin chuyên về tài chính Bloomberg sau khi Việt Nam chính thức công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,02% trong năm nay.
Chỉ số này đã tăng nhanh hơn mục tiêu tăng trưởng ban đầu của chính phủ là 6% - 6,5% và được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng 5,92% nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, ngành sản xuất tăng trưởng 8,1% trong năm nay và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Sức bật mạnh mẽ trong các ngành dịch vụ cũng đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng chung.
Theo Bloomberg, kết quả tốt hơn mong đợi trên đã giúp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dấu hiệu để theo dõi trước khi quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ thay vì thắt chặt.
Tờ báo của Mỹ cũng đã trích dẫn một số số liệu quan trọng vừa được công bố ngày 29/12, trong đó có sản xuất vào cuối tháng 12 tăng 8,1% so với một năm trước đó. Xuất khẩu tháng 12 giảm 14% so với một năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 8,1%.
Giá tiêu dùng tăng 4,55% trong tháng 12 so với một năm trước đó. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng giá trung bình ở ngưỡng 4% trong năm nay. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính tăng 13,5% trong năm nay lên 22,4 tỷ USD.
Ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, cũng như là các dự báo rủi ro về triển vọng kinh tế đã tăng lên. ADB dự báo mức tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam là 6,3% khi các đối tác thương mại lớn khác chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại.
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh để kiểm soát lạm phát trong năm tới./.