Theo VTV, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Kết luận số 157 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn và kết quả triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng với việc xem xét đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị đã đưa ra một số kết luận quan trọng.
Cụ thể, Bộ Chính trị giao đồng chí được phân công triệu tập và đồng chủ trì cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện sáp nhập, hợp nhất, tổ chức triển khai nghiêm túc các chủ trương, kết luận và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ảnh minh họa
Việc này bao gồm xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới. Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tránh tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực.
Đồng thời, Bộ Chính trị giao đồng chí được phân công chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố mới.
Về tiến độ, Bộ Chính trị yêu cầu các đơn vị hành chính cấp xã mới phải chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, phấn đấu hoàn thành trước 15/7/2025. Việc sắp xếp cấp tỉnh cần hoàn tất trước ngày 15/8/2025.
Quá trình sắp xếp nhân sự phải được thực hiện công tâm, minh bạch, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động; các vi phạm (nếu có) sẽ bị xử lý nghiêm.
Bộ Chính trị cũng giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo, lãnh đạo việc rà soát, bổ sung các hướng dẫn cần thiết để đảm bảo quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã diễn ra thuận lợi. Đồng thời, hoàn tất việc chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hoàn thành trước ngày 5/6/2025.
Đối với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các tỉnh ủy, thành ủy thuộc diện sáp nhập để hoàn thiện phương án nhân sự cấp ủy, cấp tỉnh, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định trước ngày 20/6/2025 (phấn đấu xong trước 15/6/2025). Đồng thời phối hợp hoàn thiện đề án chấm dứt hoạt động các đảng bộ tỉnh, thành phố cũ và thành lập các đảng bộ mới tương ứng theo địa giới hành chính mới.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy Trung ương, các ban Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã được triển khai trong tháng 2 và 3; còn việc chuẩn bị cho tổ chức lại chính quyền địa phương bắt đầu từ cuối tháng 3 và đang được tiếp tục thực hiện.
Theo kế hoạch, giữa tháng 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và nghị quyết về sáp nhập cấp tỉnh vào ngày 24/6. Các nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ 1/7 và các địa phương phải hoàn tất sắp xếp tổ chức, bộ máy chậm nhất vào ngày 15/8.
Theo đề xuất trong dự thảo này, Bộ Nội vụ đề xuất 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước sẽ không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, giữ nguyên hiện trạng, trong đó có 2 TP trực thuộc Trung ương gồm TP. Hà Nội và TP. Huế.
Cụ thể, 11 đơn vị hành chính dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
52 địa phương còn lại thuộc xếp, bao gồm cả 4 TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam gồm: TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.