Thông tin mới nhất trên Tạp chí Gia đình Việt Nam cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ((19/5/1890 - 19/5/2025), Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ khởi công Dự án cầu xây dựng Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu, đoạn từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định việc xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng và tỉnh Thái Nguyên.
Đây cũng được xác định là dự án quan trọng kết nối Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình đến trung tâm TP. Hà Nội trong tương lai.

Phối cảnh hình ảnh cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành. Ảnh minh họa
Theo báo Lao Động, cầu Tứ Liên được thiết kế là cầu dây văng 2 mặt phẳng với chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Dự án cầu Tứ Liên được phê duyệt gồm 4 dự án thành phần trong đó gồm 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và một dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn.
Theo đó, dự án thành phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn 3 quận, huyện gồm có: Long Biên, Tây Hồ, Đông Anh (với 7 phường gồm: Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Ngọc Thụy, Xuân Canh, Đông Hội) với tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng.

Cầu Tứ Liên được xem là công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội. Ảnh minh họa
Tổng diện tích thu hồi và giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 62,53ha với tổng số dự kiến 701 trường hợp thu hồi đất.
Trong đó dự kiến tái định cư khoảng 257 trường hợp đất ở và tái định cư chùa Long Đọi.
Tính đến ngày 18/4/2025, các quận/huyện khu vực Tây Hồ, Đông Anh và Long Biên đã nhận bàn giao mốc giới nhằm phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo đó, 3 quận/huyện được giao nhiệm vụ tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại thuộc phạm vi dự án theo quy trình, quy định nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch để thi công dự án.
Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.498 tỷ đồng.
Sông Hồng không chỉ là dòng nước đỏ phù sa bồi đắp đất đai, mà còn là mạch nguồn văn hóa, lịch sử nuôi dưỡng hồn cốt Thăng Long - Hà Nội suốt hơn một thiên niên kỷ.
Dòng sông Hồng đã chứng kiến những thăng trầm của kinh đô xưa, soi bóng biết bao công trình, biến chuyển và giấc mộng phát triển. Ngày nay, mỗi nhịp cầu vắt qua sông Hồng không chỉ nối bờ, mà còn nối những khát vọng dựng xây Thủ đô hiện đại trên nền di sản ngàn năm. Cầu Tứ Liên sau khi được xây dựng sẽ là một dấu son mới trên dòng chảy thiêng liêng ấy.