Aa

Bất động sản 24h: Lợi dụng “thổi giá“, hệ luỵ khôn lường

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 10/09/2022 - 10:29

Bỏ cọc đấu giá đất: Lợi dụng "thổi giá", hệ luỵ không lường; Thị trường nhà ở Hà Nội: Nguồn cung sơ cấp giảm, giá bán ngày càng tăng ở các phân khúc... là những thông tin bất động sản đáng chú ý 24h qua.

Bỏ cọc đấu giá đất: Lợi dụng "thổi giá", hệ luỵ không lường

Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở nhưng 2 năm trở lại đây lại trở thành một thị trường đầu cơ mới.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù quy trình, thủ tục tổ chức đấu giá đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ, song vẫn còn những kẽ hở khiến một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi. Nổi bật nhất là tình trạng giá trúng bị đẩy lên rất cao, sau đó doanh nghiệp, cá nhân lại bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường.

Tiêu biểu như, 2,45 tỷ đồng một m2 đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM, kết quả trúng đấu giá này đã gây chấn động thị trường cuối năm ngoái. Ngay lập tức, giá đất xung quanh khu vực đã bị "thổi giá" lên theo.

"Các dự án trước đây dự kiến làm nhà ở vừa túi tiền, nhà có giá trung bình, giờ người ta lại chờ đợi, thiết lập giá thế này, thì thôi dại gì mình đầu tư nhà trung bình, đẩy luôn lên giá cao cấp, rất thiệt hại cho người tiêu dùng", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.

Mục tiêu của việc đấu giá đất là tạo thêm nguồn cung cho người có nhu cầu nhà ở. Nhưng 2 năm trở lại đây, đấu giá lại trở thành một thị trường đầu cơ mới. Các suất trúng đấu giá liên tục bị mua đi bán lại. Nếu không bán được, nhà đầu tư lập tức bỏ cọc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá nhà lập đỉnh, thị trường khó khăn: Xu hướng thuê nhà ở gia tăng

Trong bối cảnh giá nhà liên tục lập đỉnh, thị trường bất động sản khó khăn, người mua nhà khó tiếp cận vốn vay do chính sách kiểm soát tín dụng của các ngân hàng, xu hướng thuê ở thay vì mua đã được nhiều người lựa chọn.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực bất động sản đã đưa ra báo cáo bán niên về thị trường. Điểm chung của các báo cáo này đều cho thấy, giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã thiết lập một mặt bằng mới, đặc biệt là tại thị trường sơ cấp. 

Thị trường bất động sản đang phát triển lệch pha. (Ảnh minh họa) 

Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, giá bán căn hộ ở TP.HCM trong 6 tháng đầu năm dao động từ mức thấp nhất là 1.556 USD/m2 đến cao nhất đạt 15.009 USD/m2. Dữ liệu chi tiết cho thấy, mỗi phân hạng đều có mức tăng mạnh, trong đó căn hộ hạng sang tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm ngoái.

Tương tự, trong báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022, DKRA Việt Nam cho biết, giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thị trường TP.HCM không ngừng thiết lập mặt bằng giá mới. Đặc biệt ở các phân khúc nhà phố thương mại hay biệt thự trên thị trường sơ cấp với mức giá bán lên đến 700 tỷ đồng/căn.

Mức giá kỷ lục ở trên được xác định ở “siêu dự án” mang tên The Rivus Elie Saab được phát triển bởi Masterise Homes. Cụ thể, các sản phẩm biệt thực chào bán ở đây có giá từ 500 - 700 tỷ đồng mỗi căn. Theo giới thiệu của đơn vị phát triển dự án, đây được gọi là các biệt thự hàng hiệu, được “may đo” dành riêng cho cộng đồng siêu giàu và chủ nhân có gu thưởng lãm nghệ thuật.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Móng Cái: “Cơn sóng ngầm” đã nổi

Trong làn sóng “di cư” tìm vùng đất mới của những “đại bàng” bất động sản, Móng Cái (Quảng Ninh) đang trở thành “vùng trũng” hấp dẫn. Những tiềm năng về vị trí, quy hoạch, cảnh quan, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa của một thành phố cửa khẩu vốn là “cơn sóng ngầm” nhiều năm qua đang dần nổi lên nhờ cú hích hạ tầng.

Quy hoạch bài bản, thông tin minh bạch là cơ sở để thị trường bất động sản Móng Cái vững vàng vượt qua những cơn sốt ảo gây nhiễu loạn, hướng mạnh vào giá trị thực. Với các nhà đầu tư, thị trường Móng Cái rất có triển vọng dài hạn khi mức giá vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với tiềm năng.

Móng Cái là vùng đất có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đặc biệt: Nằm ở cực tăng trưởng phía Bắc Tổ quốc, là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia được Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường biên giới trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, là cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á, được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 2 “mũi đột phá” trong chiến lược phát triển. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Móng Cái được xác định là một trong những trung tâm động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, cùng với Vân Đồn và khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp bất động sản tìm chiến lược thích ứng trước biến động của thị trường

Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tỷ lệ nới room không lớn thì khả năng doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tìm phương án thích ứng lâu dài.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, NHNN đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, mức tăng room tín dụng do được thông báo riêng về từng ngân ngân hàng nên hiện tại chưa có số liệu tổng hợp về con số này. 

Như vậy, trong bối cảnh nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang khan hiếm thì thông tin về nới hạn mức tín dụng (room) đem đến nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng dòng vốn tín dụng “chảy” vào bất động sản sẽ chưa thực sự đạt mức kỳ vọng bởi tỷ lệ nới room không lớn, chỉ nới room tại một số ngân hàng. Đó còn chưa kể việc cho vay tín dụng sẽ có những nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp ưu tiên được vay. Do đó, doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ phải chờ để đến lượt mới được vay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường nhà ở Hà Nội: Nguồn cung sơ cấp giảm, giá bán ngày càng tăng ở các phân khúc

Hoạt động giao dịch nhà ở tại Hà Nội đang đặt ra nhiều câu hỏi về chuyển động sắp tới trong thị trường. Chuyên gia Savills đưa ra góc nhìn sâu hơn về những diễn biến đằng sau nguồn cung, nguồn cầu và giá nhà trong thời gian vừa qua. Từ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp và chính xác.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nhà ở Hà Nội ghi nhận số lượng giao dịch tương đối ít hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Đồng thời, nguồn cung sơ cấp ở cả hai phân khúc căn hộ và nhà liền thổ đều ở mức hạn chế. Từ năm 2020, thị trường căn hộ đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chậm lại. Lượng giao dịch và nguồn cung sơ cấp đều có xu hướng giảm. Trong khi nguồn cung giảm 12% theo quý thì lượng giao dịch tụt sâu hơn ở mức -44%.

Theo báo cáo mới nhất của Savills, số lượng căn hộ sơ cấp giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục đà giảm sâu hơn của thị trường sau khi nguồn cung sơ cấp đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại tại thời điểm kết thúc năm 2021.

Theo chia sẻ của bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội, một trong những yếu tố dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung như vậy là thủ tục pháp lý kéo dài, khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc phát triển các dự án nhà ở. Việc kiểm soát tín dụng bị thắt chặt và chi phí xây dựng ngày càng gia tăng cũng là những thách thức mà các chủ đầu tư đang đối mặt.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top