Aa

Bộ GTVT nói gì về lộ trình hạn chế xe máy của Hà Nội?

Thứ Sáu, 29/03/2019 - 20:01

Hà Nội cần xây dựng lộ trình cụ thể để hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên nguyên tắc vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu...

Xung quanh việc Hà Nội đưa ra lộ trình cấm xe máy vào 2030, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc đã có trao đổi với VietNamNet.

PV: Thưa ông, TP Hà Nội đưa ra chủ trương cấm xe máy và hướng tới dừng đăng ký đối với xe máy. Quan điểm của Bộ GTVT về chủ trương này như thế nào?

Ông Trần Bảo Ngọc: Tôi được biết, trong đề án của UBND TP Hà Nội không có từ “cấm” mà chỉ có từ dừng hoạt động phương tiện xe máy trên địa bàn các quận.

Theo luật Giao thông đường bộ có quy định thẩm quyền tổ chức giao thông do Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố thực hiện. Vì vậy, việc dừng hoạt động xe máy trong khu vực các quận là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Trần Bảo Ngọc

Ông Trần Bảo Ngọc

Để triển khai đề án này, Hà Nội cần phải xây dựng lộ trình cụ thể để hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên nguyên tắc vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Cần có sự chuẩn bị kỹ cho phát triển vận tải hành khách công cộng đảm bảo tính kết nối và các giải pháp đồng bộ về tổ chức giao thông khu vực, hạ tầng bãi đỗ, điểm trông giữ xe, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh) thì đề án mới khả thi.

Chuẩn bị kỹ vì tác động đến người dân

PV: Xe máy đang là phương tiện chính của đa số người dân. Vậy theo ông, Hà Nội cần làm gì để việc cấm xe máy không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân?

Ông Trần Bảo Ngọc: Việc hạn chế xe máy sẽ tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của một bộ phận người dân khu vực hạn chế và những người có nhu cầu đến, đi qua khu vực này.

Vì vậy cần phát triển hệ thống giao thông công cộng xe buýt và đường sắt đô thị.

Trước mắt nếu là phạm vi hẹp thì phải có hệ thống xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như dần tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Để người dân từ bỏ xe máy, Hà Nội phải quyết tâm đầu tư vận tải hành khách công cộng phù hợp và theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời cần có đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá.

Muốn cấm xe máy, Hà Nội phải đảm bảo giao thông công cộng đi lại thuận tiện cho người dân

Muốn cấm xe máy, Hà Nội phải đảm bảo giao thông công cộng đi lại thuận tiện cho người dân

PV: Các nước trên thế giới trước khi đưa ra chủ trương hạn chế xe máy họ tập trung vào phát triển vận tải công cộng để việc đi lại của người dân được thuận tiện nhất. Với thực trạng giao thông Hà Nội hiện nay, liệu đến 2030 Hà Nội có thể cấm được xe máy?

Ông Trần Bảo Ngọc: Kinh nghiệm của các nước đã triển khai việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông thì lộ trình mà Hà Nội đưa ra là phù hợp (Trung Quốc bình lộ trình 5-7 năm, Myanmar là 4 năm, Jakarta - Indonesia khoảng 2 năm).

Vì vậy, Hà Nội đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2030 còn hơn 10 năm là phù hợp.

Để thành phố thực hiện được lộ trình này cần phải đầu tư mạnh mẽ vận tải công cộng xe buýt, kết hợp với các tuyến đường sắt đô thị được khai thác trong giai đoạn này.

Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, bến xe, bãi đỗ xe cùng với sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức giao thông…

Sau 10 năm mở rộng hành chính, diện tích tăng gấp 3 lần

PV: Hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị Hà Nội còn những bất cập được xem là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông. Ông đánh giá về việc này thế nào?

Ông Trần Bảo Ngọc: Tình trạng quá tải hạ tầng, gây ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn luôn là vấn đề nóng. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đô thị.

Hà Nội, 10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích đã tăng lên hơn 3 lần, dân số gần 7 triệu người và gần 6 triệu phương tiện các loại đăng ký lưu hành trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội chưa đem lại hiệu quả mong muốn.

Rất nhiều kinh nghiệm quốc tế đã chỉ rõ, phát triển đô thị bền vững luôn đòi hỏi sự đồng bộ giữa quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Trong đó phát triển hệ thống giao thông là một trong những chỉ tiêu then chốt.

Do đó, rất cần xây dựng một định hướng và lộ trình với các giải pháp đồng bộ, nhằm triển khai những quy hoạch đô thị vào thực tế, theo sát yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị cả về khối lượng và tiến độ….

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc Hà Nội, TP.HCM đang xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Việc này không chỉ áp dụng cho 2 địa phương này mà tương lai có thể áp dụng với các đô thị lớn khác.

Quan điểm của Bộ GTVT trước tiên phải có đề án trên nguyên tắc tổ chức tốt liên kết giữa các loại hình giao thông công cộng, và phải đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi mới hạn chế phương tiện cá nhân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top