Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 12222/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về đề xuất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, dự kiến sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác phát triển Pháp và Ngân hàng Tái thiết Đức.
Theo Bộ GTVT, hiện UBND TP. Hà Nội đang triển khai đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội nên việc tiếp tục nghiên cứu để đầu tư đoạn ga Hà Hội - Hoàng Mai nhằm hoàn thiện tuyến số 3 là phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Liên quan đến nội dung của đề xuất Dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát, cập nhật đề xuất Dự án theo mẫu quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để bổ sung các nội dung theo như: nêu rõ lý do đề nghị sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ; “Nêu rõ loại lãi suất dự kiến (thả nổi/cố định), mức lãi suất dự kiến và các loại phí (nếu có); đối với các chương trình dự án dự kiến sử dụng nguồn vay lãi suất thả nổi, mức lãi suất thả nổi trong nội dung đề xuất bao gồm lãi suất thả nổi cơ sở và lãi suất biên tham chiếu trên thị trường tại thời điểm đề xuất khoản vay; dự kiến thời gian vay và thời gian ân hạn của khoản vay”; mức vốn vay dự kiến.
Bộ GTVT cũng khuyến nghị chủ dự án cần rà soát cập nhật kế hoạch thực hiện, giải ngân dự án để có kế hoạch khả thi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
“Đề nghị lưu ý làm rõ nội dung tính tương thích tổng thể của công nghệ dự kiến áp dụng cho Dự án đối với các dự án đang triển khai để có thể thuận tiện và nâng cao hiệu quả của việc quản lý vận hành và khai thác sau này”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu ý kiến.
Vào tháng 4/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư cho phép tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến metro số 3).
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm báo để Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với Dự án và thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công để có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.
Để đảm bảo tiến độ ký kết, đàm phàn vốn ODA cho Dự án, ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối với với thành phố và các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán về vay vốn với các nhà tài trợ.
Được biết, Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km, đi ngầm 8,13km theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao ô Đống Mác (vành đai 1), Mai Động (vành đai 2) và kết thúc sau vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tôn, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu (phía sau, sát trạm bơm Yên Sở). Ước tính, Dự án có diện tích xây dựng công trình 34,25ha, trong đó có 235 nhà dân, gồm 352 hộ dân sẽ phải GPMB.
UBND TP. Hà Nội cho biết là tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai về cơ bản là đoạn kéo dài của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn đến ga Hà Nội và sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến đường sắt đô thị số 3, từ Nhổn - ga Hà Nội. Do vậy, Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai không xây dựng khu Depot/tòa nhà điều hành OCC riêng biệt mà chỉ xây dựng 1 khu lập tàu tại Hoàng Mai.
Tùy theo giai đoạn khai thác mà tải trọng đoàn tàu giờ cao điểm đảm nhận là khác nhau, dự kiến đến năm 2030, tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ phục vụ khoảng 124.000 hành khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hành khách/ngày.
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1.752,8 tỷ USD, tương đương 40.577 tỷ đồng; dự kiến vay vốn ODA 1.481,49 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á; Cơ quan phát triển Pháp và Ngân hàng Tái thiết Đức.
UBND TP. Hà Nội dự kiến Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2030, trong đó các mốc tiến độ quan trọng như sau: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cuối năm 2020; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối năm 2020 - 2021; lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị từ năm 2022 đến năm 2027; kiểm tra vận hành, chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.