Aa

Bộ ngành nào phải chịu trách nhiệm tại các dự án BOT?

Thứ Năm, 26/10/2017 - 06:01

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, các ngân hàng thương mại, cùng nhiều tổ chức khác được khẳng định là phải chịu trách nhiệm trước những hạn chế, vi phạm tại các dự án BOT.

Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) gây bức xúc trong dư luận thời gian qua - Ảnh: Lê Phong

Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) gây bức xúc trong dư luận thời gian qua - Ảnh: Lê Phong

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Nhiều bất cập cũng như trách nhiệm của hàng loạt bộ ngành, địa phương, tổ chức để xảy ra những hạn chế, vi phạm tại các dự án BOT giao thông được thực hiện trong thời gian qua, đã được chỉ ra.

Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm (thực hiện chưa đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư; quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí giao thông một số dự án chưa hợp lý; lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ, giám sát chất lượng công trình...) của các dự án BOT do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư và việc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc lựa chọn dự án, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí BOT, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng chậm.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư thu phí chưa hợp lý, về giá thu phí, quy trình thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý và quy định giám sát thu phí còn thiếu chặt chẽ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm do không kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình thẩm định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư và chậm ban hành thông tư hướng dẫn về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cũng như chưa đánh giá hết tác động đối với quy định khuyến khích đầu tư cải tạo nâng cấp các công trình hiện hữu.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc chậm rà soát, sửa đổi ban hành hệ thống đơn giá, định mức và các quy định quản lý chất lượng và chi phí đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc chưa kịp thời rà soát văn bản liên quan đến chính sách, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Các ngân hàng thương mại cho vay dự án giao thông BOT chịu trách nhiệm trong việc chưa thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cấp tín dụng.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về việc huy động vốn chủ sở hữu không đúng so với quy định; phê duyệt thiết kế, dự toán không đúng; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công không theo quy định; lựa chọn nhà thầu thi công chưa đáp ứng năng lực theo yêu cầu; thi công công trình không bảo đảm chất lượng...

Các tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm về những tồn tại sai sót trong lập dự án đầu tư, tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình, giám sát chất lượng.

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT thời gian qua để đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

"Triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018"- báo cáo giám sát nêu rõ.

Báo cáo giám sát cũng đề nghị đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.

Hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Trong thời gian tới tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và vận hành khai thác đối với các dự án BOT nói riêng và hình thức PPP nói chung, nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý các dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top