Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Trong đó, có lĩnh vực đang gặp nhiều vướng mắc như đất đai, nhằm tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Dự thảo được xây dựng trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 68/NQ - CP ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, có yêu cầu "thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo".
Trong lĩnh vực đất đai, Dự thảo đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Dự thảo đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)
Cụ thể, đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo nêu rõ:
Thứ nhất, bãi bỏ điều kiện: Tổ chức tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia phải có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này và ít nhất 05 chuyên gia tư vấn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại điểm đ, e, g và h khoản 2 Điều 23 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024.
Theo đó, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là hoạt động mang tính chiến lược, có tính chất nhiệm vụ công, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì giao cho các cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị sự nghiệp thực hiện.
Vì vậy, Dự thảo đề xuất bỏ toàn bộ quy định tại điểm a, không tiếp tục duy trì dưới dạng điều kiện kinh doanh bắt buộc. Những yêu cầu về năng lực chuyên gia, nếu cần thiết có thể đưa vào tiêu chí lựa chọn trong đấu thầu, giao nhiệm vụ hoặc hướng dẫn chuyên môn.
Thứ hai, bãi bỏ điều kiện: Chuyên gia tư vấn chủ trì dự án kế hoạch sử dụng đất quốc gia phải đảm bảo có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai, có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan từ 09 năm trở lên và đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã chủ trì lập ít nhất 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Đã chủ trì lập ít nhất 01 quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Đã chủ trì lập ít nhất 01 kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Đã chủ trì ít nhất 03 phương án phân bổ khoanh vùng đất đai đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 02 quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 02 kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Việc bãi bỏ điều kiện này nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trong việc tham gia tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ ba, điều kiện "Các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan từ 09 năm trở lên" cũng được bãi bỏ đề phù hợp với việc cắt giảm điểm a khoản 1.
Thứ tư, để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trong việc tham gia tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo quy định bãi bỏ điều kiện: Đã chủ trì lập ít nhất 03 quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Đã chủ trì lập ít nhất 03 kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 05 kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; Đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Thứ năm, để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trong việc tham gia tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bãi bỏ điều kiện: Có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai, có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan từ 06 năm trở lên.
Thứ sáu, bãi bỏ điều kiện: Có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai, có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan từ 03 năm trở lên. Nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức trong việc tham gia tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự thảo đã bãi bỏ 6/10 điều kiện kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, với tỷ lệ cắt giảm 60%. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)
Về khâu thực thi, Dự thảo kiến nghị:
(1) Bãi bỏ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 23 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
(2) Sửa đổi khoản 3 Điều 23 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
(3) Sửa đổi khoản 4 Điều 23 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Nhìn chung, Dự thảo đã bãi bỏ 6/10 điều kiện kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, với tỷ lệ cắt giảm 60%. Dự kiến thực hiện ngay trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bãi bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai, (theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020). Bởi pháp luật đất đai hiện hành đã bãi bỏ và không có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề này.
Cùng với đó, ngành nghề kinh doanh dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng bãi bỏ, do pháp luật đất đai hiện hành đã bãi bỏ và không có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề này.