Aa

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiện toàn bộ phận một cửa xử lý thủ tục hành chính

Thứ Hai, 23/06/2025 - 19:19

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Đề án kiện toàn bộ phận một cửa nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận dịch vụ công, bao gồm lĩnh vực đất đai.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhằm mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, bộ phận một cửa của Bộ Nông nghiệp và Môi trường được tổ chức lại thành một đầu mối thống nhất trên cơ sở văn phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 13 bộ phận một cửa tại các cục, vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là 8 cục và 1 vụ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường). 

Bộ phận một cửa này hoạt động tại 2 cơ sở, để tiếp nhận và trả kết quả đối với các thủ tục hành chính thuộc 20 đơn vị trực thuộc. Trong đó, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý đất đai sẽ được tiếp nhận tại cơ sở 1, số 10 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy (Hà Nội).

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng có trách nhiệm bố trí nhân sự đủ năng lực làm việc tại bộ phận một cửa; tổ chức lại các bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại đơn vị theo hướng giải thể các bộ phận phân tán, đồng thời đẩy mạnh phối hợp nội bộ nhằm rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiện toàn bộ phận một cửa xử lý thủ tục hành chính- Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiện toàn bộ phận một cửa xử lý thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc xây dựng đề án nhằm thực hiện 6 mục tiêu. 

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho lãnh đạo Bộ về tình hình, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, thẩm quyền giải quyết của Bộ; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Thứ ba, công tác tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thống nhất; người dân và doanh nghiệp đến giao dịch, nộp hồ sơ và nhận kết quả chỉ một địa điểm tập trung; bảo đảm bộ máy tinh gọn, hợp lý, giảm đầu mối trung gian và nâng cao hiệu quả thực thi công vụ.

Thứ tư, tạo cơ chế minh bạch, hiệu quả để người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Bộ; tạo dựng môi trường hành chính minh bạch, văn minh, hiện đại; chống tiêu cực nhũng nhiễu, tham nhũng vặt trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ năm, đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, bảo đảm cơ chế giám sát, đôn đốc tiến độ, kiểm soát thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đối với tất cả các lĩnh vực của Bộ; góp phần hạn chế người dân và doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức hoặc đơn vị được giao thẩm định, giải quyết hồ sơ; tạo cơ chế độc lập hoàn toàn giữa đơn vị tiếp nhận hồ sơ và cơ quan, đơn vị chuyên môn giải quyết hồ sơ.

Thứ sáu, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức và công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước; các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng yêu cầu, việc giải quyết thủ tục hành chính phải kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch. Quá trình này được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau, dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, Bộ nhấn mạnh, không được làm phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa đơn vị được giao giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong Bộ; bảo đảm việc nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị trực thuộc Bộ nhanh chóng, kịp thời.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu nâng cao, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính; thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực thi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top