Aa

Bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh là một cuộc cách mạng

Thứ Năm, 13/12/2018 - 03:02

Nhận định về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch vừa được Chủ tịch nước công bố, TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là cuộc cách mạng trong quy hoạch.

PV: Chỉ có 53,51% số đại biểu Quốc hội đồng ý bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh, số còn lại không tán thành. Thưa ông, điều này cho thấy, triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn?

TS. Đỗ Văn Sinh: Hoạt động quy hoạch những năm qua đạt những kết quả nhất định, là công cụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại, gây lãng phí, nhũng nhiễu, kìm hãm sự phát triển.

Luật Quy hoạch (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019) là đột phá trong hoạt động xây dựng pháp luật và quy hoạch. Để triển khai Luật Quy hoạch, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội đã phải sửa đổi tới 37 luật có liên quan đến quy hoạch trong một đạo luật, trong đó, nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều nhất, tranh luận gay gắt nhất là có nên bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh (quy hoạch vùng tỉnh trong Luật Xây dựng) hay không. Trong đó, có tới 46,26% ý kiến đồng ý giữ lại quy hoạch xây dựng tỉnh vì cho rằng, đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Cuối cùng, Quốc hội đã quyết định bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Tôi cho rằng, đây là một quyết định rất khó khăn, hết sức sáng suốt của Quốc hội nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật cho đồng bộ, phù hợp với Luật Quy hoạch, khắc phục những tồn tại, chồng chéo, mâu thuẫn, quy hoạch treo gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội và nhân dân.

Từ trước đến nay, tất cả các địa phương đều lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (theo Luật Xây dựng) giờ bỏ đi khiến nhiều người lo ngại không có căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và không còn công cụ quản lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh là một cuộc cách mạng, nếu tiếp tục để tồn tại quy hoạch xây dựng tỉnh thì đó là một cuộc cách mạng nửa vời.

PV: Bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh, các địa phương sẽ sử dụng công cụ nào để quản lý quy hoạch xây dựng, thưa ông?

TS. Đỗ Văn Sinh: Quản lý theo quy hoạch tỉnh đã được cụ thể hóa trong Luật Quy hoạch. Khi lập quy hoạch tỉnh, các cơ quan hữu quan đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện.

Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh đã phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn; phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn phương án phát triển mạng lưới giao thông, cấp điện, viễn thông, thủy lợi, cấp nước, kết cấu hạ tầng xã hội…

Quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ là một phần trong nội dung quy hoạch tỉnh, khi đã có quy hoạch tỉnh tức là đã đảm bảo đầy đủ công cụ quản lý tổ chức không gian, phân bổ mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

PV: Những ý kiến đề nghị giữ quy hoạch xây dựng tỉnh cho rằng, đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

TS. Đỗ Văn Sinh: Giả sử vẫn còn quy hoạch tỉnh thì các địa phương lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, trong đó có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện gửi Hội đồng Thẩm định quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập thẩm định, nếu đạt yêu cầu thì Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, các địa phương mất tiền thuê tư vấn lập quy hoạch xây dựng tỉnh, nhưng thực ra, quy hoạch này chỉ là bản copy quy hoạch tỉnh sau khi lược bỏ đi một số nội dung, vì quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch chuyên ngành không được bổ sung thêm nội dung và cũng không thể quy định chi tiết thêm so với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Khi có quy hoạch xây dựng tỉnh (thực ra là bản photo rút gọn của quy hoạch tỉnh), các địa phương tự phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Như vậy, quy hoạch xây dựng tỉnh là một loại giấy phép con, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của xã hội mà chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Kể từ ngày 1/1/2019 (khi Luật Quy hoạch có hiệu lực), liệu có xuất hiện khoảng trống pháp lý trong quản lý đầu tư xây dựng ở địa phương khi quy hoạch xây dựng tỉnh không còn, trong khi quy hoạch tỉnh chưa được lập, thưa ông?

TS. Đỗ Văn Sinh: Theo quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, trong đó có quy hoạch xây dựng tỉnh, được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan cho đến khi quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, hoàn toàn không có khoảng trống pháp lý vì các địa phương vẫn tiếp tục được thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh.

Một số ý kiến còn băn khoăn cho rằng, quy hoạch xây dựng tỉnh và các quy hoạch khác được triển khai trong nhiều năm qua, nếu đập đi, bỏ hết, xây dựng mới quy hoạch tỉnh mà chưa có thí điểm trong thực tế thì sẽ rất khó khăn.

Về vấn đề này, Luật Quy hoạch đã quy định quy trình xây dựng quy hoạch tỉnh phải đánh giá hiện trạng, điều tra, khảo sát, xác định mục tiêu để làm cơ sở xây dựng. Vì vậy, sẽ không có chuyện đập đi, bỏ hết, mà phải kế thừa những nội dung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh còn phù hợp với thực tế và không trái với Luật Quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top