Aa

Tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh vào quy hoạch tỉnh: Nên hay không?

Thứ Sáu, 09/11/2018 - 06:01

Nhiều ý kiến cho rằng không nên tích hợp 2 hệ thống quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh thành một mà nên thực hiện song song 2 hệ thống.

Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV đang xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Dự án Luật). Điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật này là đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước; hai là quy hoạch xây dựng (QHXD) tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn. Điều này sẽ giúp cụ thể hóa các định hướng về không gian và vật thể trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đề xuất tích hợp quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh, nhưng không ít ý kiến khác cho rằng nên tồn tại đồng thời cả 2 hệ thống.

Hai quy hoạch hỗ trợ nhau hiệu quả

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia, QHXD tỉnh (trước đây gọi là QHXD vùng tỉnh) bản chất vừa là một quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành lại vừa có tính tích hợp cao. Đó là hoạch định ra hệ thống, quy mô, hình hài đô thị, vị trí và quy mô các khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, các vùng bảo tồn, vùng sinh thái… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật dựa trên những tính toán chi tiết về kinh tế và kỹ thuật, do vậy nó là công cụ tin cậy để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong tỉnh cũng như trong đô thị.

QHXD tỉnh và quy hoạch tỉnh sẽ hỗ trợ nhau hiệu quả (Ảnh minh hoạ: KT)

QHXD tỉnh và quy hoạch tỉnh sẽ hỗ trợ nhau hiệu quả (Ảnh minh hoạ: KT)

“Cần tồn tại cả quy hoạch tỉnh và QHXD cùng trên một tỉnh. Việc lập chính sách phát triển của một tỉnh cũng có các tầng bậc rõ ràng. Tầng bậc kinh tế tổng hợp được bàn thảo dựa trên các tổng kết kinh tế đa ngành, vĩ mô, đó là lớp chính sách phi vật thể. Lớp chính sách đó mang tính quyết định tổng quát. Quy hoạch tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách ở tầng bậc đó. Đây là quy hoạch thiên về chính sách tổng thể về kinh tế - xã hội phi vật thể”, ông Hưng nêu ý kiến.

Ông Hưng cho rằng, điều này cũng giống như ở cấp quốc gia. Theo Luật Quy hoạch, có Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng vẫn cần có các quy hoạch ngành quốc gia để làm bổ trợ, cụ thể hóa các chiến lược tổng thể. Như vậy, mới đảm bảo tính tổng thể và tính cụ thể ở mỗi một cấp độ.

Đưa ra quan điểm nên tồn tại song song cả hai hệ thống, ông Hưng khẳng định, hai loại hình quy hoạch này sẽ bổ trợ cho nhau rất hữu hiệu.

“Sự cùng tồn tại của hai tầng bậc quy hoạch này phản ánh chính xác sự phân tầng trong việc ra chính sách. Điều này chứng minh rằng hai thể loại quy hoạch này hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Tầng bậc rõ ràng kèm theo tạo cơ chế linh hoạt là cách thiết lập thể chế hiệu quả phù hợp với sự thay đổi liên tục của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi của khoa học công nghệ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, QHXD tỉnh là một loại hình quy hoạch có tính tích hợp cao nhất, trong đó bao hàm đầy đủ các yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,… thể hiện đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất cần thiết phát triển trên nền tảng hiện hữu và tiềm năng của khu vực. Do đó, QHXD tỉnh chính là kim chỉ nam cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện các hạng mục công trình một cách đồng bộ, theo từng giai đoạn thích hợp tạo sự phát triển cho tỉnh hợp lý nhất.

“Thực tế hiện nay các tỉnh đã và đang thực hiện QHXD tỉnh theo thể chế hiện hành. Đây đã là quy hoạch có tính tích hợp cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước đối với một tỉnh, do đó, không nên có sự thay thế mới bằng quy hoạch tỉnh. Hơn nữa, nội hàm của quy hoạch tỉnh không rõ ràng hệ thống cơ sở vật chất theo hướng tích hợp như QHXD tỉnh”, bà Đỗ Tú Lan cho biết.

Cần làm rõ nội hàm

Từng làm quy hoạch và quản lý công tác quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh. Tuy nhiên, nội hàm quy hoạch xây dựng tỉnh cụ thể như thế nào thì cần phải làm rõ.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội

Theo TS. Nghiêm, bản chất của quy hoạch tỉnh là kế hoạch 5-10 năm phát triển kinh tế - xã hội một cách tổng thể. Còn QHXD tỉnh sẽ cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh, bao gồm thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về QHXD, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, chuẩn bị kỹ thuật, xử lý nước thải, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

“Nếu quy hoạch tỉnh trả lời được câu hỏi “Tỉnh ta chọn đi đến đâu là đích?” thì QHXD tỉnh sẽ trả lời câu hỏi tiếp theo: “Làm thế nào sử dụng nguồn tài nguyên về không gian, đất đai, môi trường, các vật thể để đi đến đích một cách bền vững nhất?”, TS. Nghiêm giải thích.

Ông Nghiêm cho rằng, với Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ 1/1/2019, số lượng quy hoạch đã giảm đi rất nhiều. Chính trong ngành xây dựng cũng giảm rất nhiều quy hoạch cụ thể. Tuy vậy, quy hoạch nào cần thì vẫn phải duy trì.

“Trường hợp không có QHXD tỉnh thì quy hoạch tỉnh trở thành một thứ cơ sở pháp lý tượng trưng, không có hiệu quả áp dụng thực tiễn. Đơn giản vì nó không bao quát nổi để phân xử những cạnh tranh phát triển đa dạng trong vùng đặc biệt liên quan đến không gian, đất đai, môi trường”, ông Nghiêm nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top