Aa

Bổ sung 2000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 10/04/2020 - 13:30

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu ra trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3 về tình hình dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, về giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Nghị quyết đồng ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.

Thiếu vốn là một trong những khó khăn khiến chiến lược phát triển nhà ở xã hội bị đổ vỡ.

Trước đó, ngày 7/4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.

Theo đó, một trong những vấn đề trọng tâm được Hiệp hội đề xuất tại kiến nghị lần này là vấn đề nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Căn cứ luật Nhà ở, hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.

Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn.

Hiệp hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Thương mại do Nhà nước chi phối.

Cũng liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, đầu năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2734 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Cụ thể, mức lãi suất của Ngân hàng Thương mại áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 5,0%/năm. Mức lãi suất cho vay 5% hiện đang thấp hơn từ 1,5 - 3%/năm so với lãi suất huy động tiền gửi tại kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top