Aa

Bổ sung quy hoạch chung TP.HCM theo hướng mở

Thứ Bảy, 15/12/2018 - 06:11

Tại Hội nghị tổng kết định hướng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM năm 2045 do Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tổ chức ngày 14/12, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết quy hoạch lâu nay vẫn là điểm yếu của thành phố nhưng với vai trò đầu tàu kinh tế, thành phố vẫn sẽ phải phát triển liên tục, phát triển không ngừng.

Một góc trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Một góc trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Vì thế, quy hoạch bổ sung sắp tới sẽ phải đáp ứng được 2 tiêu chí là hấp dẫn đối với doanh nghiệp và tạo đồng thuận của xã hội, tránh tình trạng quy hoạch mà trên dưới không biết, không phát huy thế mạnh địa phương, quy hoạch trên giấy, không khả thi.

Thành phố sẽ bổ sung quy hoạch theo hướng mở, đồng thời ban hành quy chế quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch với trách nhiệm người đứng đầu.

"Thành phố cũng nhìn nhận trách nhiệm trong việc để nhiều dự án 'treo' kéo dài gây bức xúc cho người dân. Vì vậy sắp tới thành phố sẽ thay đổi cách làm, không giao một chủ đầu tư mà tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư tham gia trên cơ sở công khai, minh bạch," ông Trần Vĩnh Tuyến cam kết.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cho biết điểm nhấn trong bổ sung quy hoạch sắp tới là quy hoạch gắn với phát triển nguồn lực của thành phố, có cấu trúc đô thị phù hợp để giải quyết vấn đề về phát triển hạ tầng kỹ thuật, thích ứng biến đổi khí hậu và chống ngập.

Mục tiêu đến năm 2045 của thành phố là xây dựng môi trường cạnh tranh cao, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phát triển không gian đô thị giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải tạo và phát triển đô thị hiện hữu, xây dựng cấu trúc đô thị phù hợp để giảm thiểu áp lực dân số vào khu vực trung tâm thông qua mô hình thành phố vệ tinh...

Dưới góc độ chuyên gia tư vấn, ông Stephen Wyatt, Công ty John Lang Lasalle cho rằng thời gian qua, các tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Đông, châu Á-Thái Bình Dương đang "nhìn ngắm" Việt Nam và tìm kiếm thị trường văn phòng, không gian bán lẻ, bất động sản công nghiệp với quy mô dự án lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, các tập đoàn lớn cũng ngại vấn đề về tính minh bạch, thiếu đất sạch, đền bù giải phóng mặt bằng, pháp lý chưa đầy đủ. Vì thế, để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nên giải quyết các thách thức nêu trên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top