Aa

Bộ Tài chính: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp Nhà nước sử dụng không đúng mục đích

Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Bảy, 25/01/2025 - 10:22

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp Nhà nước chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hóa và pháp luật khác có liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất

Ngày 23/1/2025, Bộ Tài chính đã có Công văn số 994/BTC-QLCS gửi các Bộ ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao theo các quy định mới về sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất.

Theo đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2025/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 (thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021), Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ ngành, địa phương; các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ tổ chức tuyên truyền, phổ biến theo quy định nội dung của Nghị định số 03/2025/NĐ-CP, Chỉ thị số 47/CT-TTg tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, đảm bảo các đối tượng chịu sự tác động của Nghị định, Chỉ thị nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung Nghị định, Chỉ thị để triển khai thực hiện đúng quy định.

Về giao cơ quan lập, điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và kiểm tra hiện trạng nhà, đất, Công văn hướng dẫn rõ, Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan có thẩm quyền lập, điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 03/2025/NĐ-CP.

Về cơ quan kiểm tra hiện trạng nhà, đất được quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 03/2025/NĐ-CP: Trường hợp cơ quan cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất không đồng thời là cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà, đất thì Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản giao cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng theo quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 03/2025/NĐ-CP.

Bộ Tài chính: Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp Nhà nước sử dụng không đúng mục đích- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cũng lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được quy định tại Điều 27 Nghị định số 03/2025/NĐ-CP, trong đó đối với trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức rà soát, lập danh mục các cơ sở nhà, đất hiện đang quản lý, sử dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Nghị định số 03/2025/NĐ-CP:

Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý hoàn thành việc lập danh mục: Nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định; Nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định (trong đó nêu rõ căn cứ cơ sở nhà, đất đó không thuộc phạm vi sắp xếp thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định); báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án tổng hợp, theo dõi trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Đồng thời có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định tại Nghị định này; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tố chức, đơn vị thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đất đai, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương về quy hoạch, đất đai, xây dựng trong việc hướng dẫn cung cấp các thông tin hành chính về quy hoạch, đất đai, xây dựng liên quan đến cơ sở nhà, đất để cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện từ bước báo cáo kê khai và đề xuất phương án, tổng hợp, kiểm tra hiện trạng, lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện.

Căn cứ tình hình thực tế sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (nếu cần) để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bảo đảm không làm tăng biên chế của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp Nhà nước giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất

Bộ Tài chính cũng hướng dẫn về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp cần thực hiện quản lý về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Chỉ đạo rà soát để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) của các doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo thời gian quy định, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời chỉ đạo tiếp nhận nhà, đất của doanh nghiệp Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.

Bộ Tài chính yêu cầu kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp Nhà nước sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất; không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đất đai,...

Về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp Nhà nước chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hóa và pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó thực hiện hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp Nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp Nhà nước và cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của doanh nghiệp mình.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước cần quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top