Đây là nội dung được Bộ Tài chính đưa ra sau khi đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng nhà đất tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), theo báo VnExpress.
Cụ thể, Bộ Tài chính thừa nhận việc thu thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp 20% trên lãi chuyển nhượng cần có lộ trình phù hợp.
Việc này đảm bảo đồng bộ với quy trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai/nhà ở hoặc mức độ sẵn sàng của cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, BĐS.
Theo các chuyên gia, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng, yêu cầu tiên quyết chính là việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin cũng như cơ sở dữ liệu về đất đai.
Đơn cử như việc Nhà nước cần xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường BĐS minh bạch, liên thông các thủ tục hành chính có liên quan đến giá, giao dịch BĐS... trên nền tảng điện tử.

Theo các chuyên gia, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng, yêu cầu tiên quyết chính là việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin cũng như cơ sở dữ liệu về đất đai. Ảnh min họa
Cơ quan quản lý cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp kê khai sai với giá trị giao dịch.
Chia sẻ trên báo Lao Động, Bộ Tài chính cho biết Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành đang quy định mức thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng mức thu này hiện chưa phản ánh đúng với bản chất thu nhập từ giao dịch kinh tế, cần có sự thay đổi theo hướng đánh thuế 20% trên lãi thực tế - tức phần chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan.
Thu nhập từ chuyển nhượng BĐS được cho là một nguồn thu quan trọng trong hệ thống thuế thu nhập cá nhân.
Các chuyên gia nhận định, việc áp thuế trên lãi chuyển nhượng BĐS thể hiện rõ định hướng điều tiết hoạt động đầu cơ, "lướt sóng" - nguyên nhân góp phần đẩy giá nhà đất "tăng nóng" trong thời gian vừa qua.
Hồ sơ dự án luật này hiện đang được lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân.
Các cơ quan chức năng liên quan cho biết sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng để có đề xuất phù hợp với Việt Nam, trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.