Aa

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

Thứ Tư, 20/12/2017 - 06:00

Xuất phát từ thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Trong hơn 3 năm tổ chức thi hành Luật đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những hiệu quả nhất định như: Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật đất đai giữa Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013, không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai.

Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai đã hạn chế được giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất…

Ảnh minh họa: Trần Kháng.

Ảnh minh họa: Trần Kháng.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành Luật đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể: Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8/1/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên ngân của những tồn tại, bất cập nêu trên là do: Hệ thống pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; có một số nội dung quy định biểu hiện chưa phù hợp với thực tiễn triển khai; có một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

Bộ máy tổ chức làm công tác quản lý nhà nước nhiều nơi chưa tương xứng với yêu cầu tổ chức triển khai thi hành pháp luật trên thực tế. Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp chậm kiện toàn, Tổ chức phát triển quỹ đất mặc dù đã được thành lập nhưng lại chưa được quan tâm bố trí nguồn lực đầy đủ để thực hiện chức năng tạo quỹ đất; năng lực cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, lực lượng cán bộ, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản tại Kỳ họp Thứ 4, Quốc hội Khóa XIV cũng đặt ra yêu cầu phải rà soát, hoàn thiện Luật đất đai để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Do đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2013 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất: Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Luật đất đai theo hướng bổ sung người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; sửa đổi, bổ sung Điều 10 về phân loại đất; sửa đổi, bổ sung các Điều có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch; sửa đổi, bổ sung Điều 57 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để một mặt quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; một mặt thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt giữa các loại đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp để phù hợp với cơ chế thị trường…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nếu được thông qua, Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2019./.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, định hướng sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau đây:

(1) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng; giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và hình thức chỉ định; người sử dụng đất;… để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung, sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở,….

(2) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc chuyển dịch đất đai như thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

(3) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nagnhf nông nghiệp. Cụ thể sẽ tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhận; điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; các quy định để người sử dụng đất thực hiện các quyền một cách thuận lợi, tạo điều kiện để thị trường quyền sử dụng đất nói chung, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng phát triển.

(4) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính đất đai, giá đất nhằm một mặt giải quyết những ách tắc trong tổ chức thực hiện, khắc phục tình trạng lợi dụng trục lợi, tham nhũng từ đất đai; mặt khác nhằm đảm quyền lợi cho người dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

(5) Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhằm triệt để cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top