Đề xuất bổ sung quy hoạch của tỉnh có khả thi?
Ngày 14/11/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã cho phép Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án Thủy điện Thái Niên (60MW) và Thủy điện Bảo Hà (40MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch Thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai.
Trao đổi chi tiết các vấn đề liên quan đến nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời Reatimes về việc đơn vị này góp ý kiến, cũng như đánh giá về tính khả thi của 2 dự án trên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay 2 dự án Thủy điện Thái Niên và Thủy điện Bảo Hà đang ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để lập hồ sơ xem xét bổ sung vào quy hoạch của tỉnh, chưa có hồ sơ đề xuất bổ sung quy hoạch.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định kết quả khảo sát, nghiên cứu, hồ sơ đề xuất của tỉnh theo các quy định của pháp luật về quy hoạch và các pháp luật khác có liên quan như tài nguyên nước, môi trường, phòng chống thiên tai... Ngoài ra, hiện nay Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đang trong quá trình khảo sát nghiên cứu, lập quy hoạch, chưa phê duyệt.
Cơ quan này cho biết, trước đó ngày 5/12/2017, UBND tỉnh Lào Cai có Văn bản số 379/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm cỡ quốc tế và nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa. Báo cáo bao gồm nhiều nội dung, đề xuất, kiến nghị, trong đó có đề xuất Chính phủ xem xét, cho chủ trương nghiên cứu tiềm năng thủy điện trên sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.
Ngày 20/12/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 13505/VPCP-QHĐP gửi đến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương... và Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến xử lý kiến nghị của tỉnh Lào Cai tại báo cáo nêu trên.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 8/1/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản góp ý đối với đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, riêng đối với đề xuất khảo sát, nghiên cứu để đề xuất bổ sung 2 dự án nêu trên vào quy hoạch thủy điện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lưu ý là hiện nay Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đang trong quá trình lập Nhiệm vụ Quy hoạch để phê duyệt và sẽ triển khai công tác lập quy hoạch vào năm 2018.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị, trong quá trình nghiên cứu phải xem xét, bổ sung các nội dung nghiên cứu theo quy định của Luật Tài nguyên nước như: sự cần thiết phải xây dựng hồ chứa, dòng chảy cần duy trì trên sông ở hạ lưu hồ chứa, vai trò của các hồ chứa hiện có trên lưu vực... và phải lấy ý kiến của các đối tượng được hưởng lợi cũng như có nguy cơ bị tác động...
Tiềm năng ít, rủi ro lớn
Nhiều chuyên gia quy hoạch và nghiên cứu tài nguyên nước cho rằng, việc đề xuất xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện trên đã không tuân theo Luật Quy hoạch 2017. Đồng thời, 2 dự án không có tính khả thi và tiềm ẩn nguy cơ phá hoại thiên nhiên môi trường, ảnh hưởng đến hạ du, cùng nhiều bất cập khác.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có ý kiến đánh giá rất sát sao. Cụ thể, đối với các vấn đề quan ngại nêu trên, tại Văn bản số số 5519/VPCP-QHĐP của Văn phòng Chính phủ gửi UBND tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý trong quá trình nghiên cứu, đánh giá cần quan tâm đánh giá tác động môi trường, tích trữ và điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho khu vực hạ lưu sông Hồng. Được biết, hiện nay công tác khảo sát, nghiên cứu đánh giá, chưa hoàn thành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, lưu vực sông Hồng là lưu vực sông lớn, đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội và toàn bộ vùng đồng bằng Bắc bộ. Trên lưu vực sông Hồng, các nhánh sông có tiềm năng thủy điện lớn như sông Đà, sông Lô - Gâm đều đã khai thác gần hết tiềm năng thủy điện cả trên dòng chính và các dòng nhánh.
Đối với nhánh sông Thao, tiềm năng thủy điện tập trung chủ yếu trên các dòng nhánh và cơ bản đã được khai thác. Còn trên dòng chính sông Thao thì tiềm năng này có thể nói là không đáng kể.
Việc bố trí các công trình thủy điện trên dòng chính sông Thao ít có ý nghĩa về mặt năng lượng so với toàn lưu vực sông Hồng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, nhất là những vấn đề lũ, ngập lụt, suy giảm phù sa, bùn cát, sạt lở bờ sông, cấp nước... và tác động môi trường đối với khu vực hạ du và vùng đồng bằng sông Hồng.
Những vấn đề này cùng với những quan ngại nêu trên cần phải được xem xét, đánh giá toàn diện, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và phải được xem xét, thẩm định kỹ lưỡng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trước đề xuất xây dựng 2 dự án Thủy điện Thái Niên và Thủy điện Bảo Hà tại tỉnh Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, hiện nay mới chỉ là giai đoạn khảo sát, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch của tỉnh.
“Các kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động của giai đoạn này là một trong những nguồn thông tin, dữ liệu hữu ích, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham khảo, sử dụng các kết quả này để phục vụ công tác lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong thời gian tới”, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Những ý kiến góp ý trên và nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tính khả thi của việc xây dựng các công trình thủy điện trên được các chuyên gia quy hoạch, nghiên cứu tài nguyên nước đánh giá rất cao, điều này thể hiện sự kịp thời cũng phù hợp với thực tế cả về mặt quy trình, tiềm năng khai thác và tính rủi ro.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.