Aa

“Ông lớn” Bình Minh Sa Pa là ai?

Thứ Tư, 08/05/2019 - 06:01

Năng lực Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa có gì khi mạnh dạn đề xuất xây dựng 2 dự án thủy điện có công suất 100MW trên dòng sông Hồng thơ mộng?

Nội soi nhà đầu tư giữa "tâm bão"

Ngày 14/11/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã cho phép Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án Thủy điện Thái Niên (60MW) và Thủy điện Bảo Hà (40MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch Thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai.

Theo kế hoạch, ngày 15/4/2019, Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa và đơn vị tư vấn hoàn thành công tác lập hồ sơ, báo cáo bổ sung 2 dự án thủy điện vào quy hoạch.

Vài năm trở lại đây, câu chuyện chặn dòng sông xây thủy điện ở Lào Cai đã nhiều lần được nhắc đến. Vấn đề ở chỗ, các dự án này đều vấp phải những ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn những ý kiến bày tỏ sự phản đối.

Giữa cơn bão dư luận dường như vẫn đang “căng như dây đàn”, việc đề xuất bổ sung 2 dự án thủy điện có tổng công suất 100MW trên của chính quyền tỉnh Lào Cai, được coi như một sự mạnh dạn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực điện năng, thậm chí đã từng đề xuất xây dựng thủy điện trên sông Hồng cũng không khỏi trầm trồ và giật mình đặt câu hỏi: “Ông lớn” Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa là ai?

G

Tác động tiêu cực của việc ồ ạt ngăn sông, xây thủy điện là rất lớn. Bởi vậy, nhiều "ông lớn" lĩnh vực điện năng không khỏi trầm trồ và giật mình trước đề xuất của Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa. (Ảnh minh họa)

Được biết, Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa được thành lập ngày 30/8/2016 (địa chỉ trụ sở chính tại số nhà 011 đường An Lạc, phường Bắc Cường, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Ban đầu, vốn điều lệ thành lập chỉ 20 tỷ đồng. Đến ngày 13/12/2016, vốn điều lệ tăng lên thành 200 tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký 10 người.

Cổ đông sáng lập là ông Hà Văn Nguyên (sinh ngày 4/11/1982, thôn Phú Xuân, xã Yên Tâm, huyện Yên Định, TP. Thanh Hóa) nắm giữ 40% cổ phần, với số vốn góp 80 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (sinh ngày 17/6/1969, chỗ ở hiện tại: Tổ 14 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) nắm giữ 60% cổ phần, vốn góp 120 tỷ đồng.

Người đại diện pháp luật - Giám đốc công ty là ông Nguyễn Hải Đông (sinh ngày 9/6/1992, chỗ ở hiện tại: Số 23 Liền kề 5, Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội).

Hồ sơ cho thấy, thông tin về cổ đông Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa là bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, cũng trùng khớp với người đại diện pháp luật - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Vĩnh Phúc.

Công ty này được thành lập ngày 27/5/2011, có địa chỉ trụ sở chính tại nhà số 10, ngõ 105 đường Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Công ty có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, tổng số lao động 8 người. Trong đó, cổ đông Nguyễn Thị Hoàng Yến nắm giữ 40% cổ phần, vốn góp 2,4 tỷ đồng; cổ đông Trần Diệu Hà (tổ 69, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) chiếm 40% cổ phần, vốn góp 2,4 tỷ đồng; cổ đông Hoàng Thị Việt Hà (tổ 14, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) nắm giữ 20% cổ phần, vốn góp 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 cá nhân Hoàng Thị Việt Hà và Trần Diệu Hà còn là cổ đông của một công ty khác có địa chỉ tại đường Lam Sơn (phường Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Đánh đổi dòng sông Hồng lấy 100MW điện?

Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế trong các lĩnh vực quy hoạch, tài nguyên môi trường cho rằng, việc hàng loạt thủy điện đua nhau mọc lên đã “băm nát” dòng sông. Việc phát triển thủy điện dày đặc, chặn dòng chảy của hầu hết các dòng sông, mặc dù đem lại nguồn điện lớn cho phát triển kinh tế nhưng sự phát triển quá ồ ạt đã để lại những hậu quả lớn đối với thiên nhiên và con người.

Đó là sự biến đổi dòng chảy tự nhiên, gia tăng nguy cơ lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa kiệt, xảy ra do vận hành không tuân thủ quy trình của các nhà máy thủy điện. Cùng với đó, những năm qua đã xảy ra hàng loạt vụ thủy điện xả nước khiến nhiều người chết và mất tích, thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.

Liên quan đến việc đề xuất, bổ sung 2 dự án thủy điện trên của tỉnh Lào Cai, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển tư vấn bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC) chia sẻ với PV Reatimes: “Không nên xây dựng vì có nhiều lý do, sông suối đang bị chặn ngang chặn dọc bây giờ lại bị chia cắt tiếp. Dòng chảy, hạ nguồn, phù sa,... bị tác động mạnh lắm chứ không ít”.

PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng nghìn con sông lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng. Gắn liền với sông ngòi là nguồn tài nguyên vô giá: nước và nguồn thủy sinh, ngoài việc cung cấp cho hoạt động sinh kế của cư dân còn là phương tiện giao thông thủy quan trọng. Cùng với sự gia tăng kinh tế và dân số, nhiều nguồn tài nguyên của đất nước bị khai thác quá mức, trong đó có tài nguyên nước.

Được biết, sông Hồng có ba nhánh lớn là nhánh sông Đà - nhánh sông Hồng - nhánh sông Lô. Nhánh sông Đà đã khai thác triệt để từ Hòa Bình ngược lên Sơn La, Lai Châu bởi rất nhiều thủy điện lớn nhỏ.

Việc xây thủy điện trên sông Hồng, cách đây 3-4 năm, Công ty Xuân Thành đề nghị xây 6 thủy điện bậc thang. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ đã từng nói tuyệt đối không xây thủy điện trên sông Hồng vì nhánh sông Hồng là nhánh giữa, dòng chính của sông Hồng có địa mạo, địa chất không phù hợp xây thủy điện. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật có thể xây được hết nhưng tác động môi trường rất lớn.

Về đề xuất  xây dựng “siêu dự án” đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, trước đó, ông Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Chủ tịch Hội Đánh giá Tác động môi trường Việt Nam từng nhận định rằng, việc xây dựng 6 đập thủy điện trên sông Hồng chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều tác động khác nhau, không chỉ gây mất cân bằng nguồn nước mà còn liên quan đến tình trạng xói lở ven bờ, thay đổi và suy kiệt nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven sông…

Bày tỏ ý kiến quan ngại về việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện trên với báo chí, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết: “Sông Hồng 60% ở Việt Nam, còn lại là ở Trung Quốc và Lào. Bên Trung Quốc phát triển rất nhiều thủy điện tác động đến nước ta. Chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về sông Hồng, với tình trạng hiện nay không nên xây nhà máy thủy điện nào trên dòng sông”.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, việc Lào Cai đề xuất xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện trên để có thêm 100MW là không hợp lý, phá hoại thiên nhiên môi trường, sông suối bị “chặn ngang, chặn dọc” sẽ phá nát dòng sông, ảnh hưởng hạ du.

“Vấn đề xây dựng thủy điện nên tránh ra đi, bây giờ sông suối xây dựng quá nhiều, những vị trí tiềm năng thủy điện lớn xây hết rồi. Năm 2013, Quốc hội cũng đã cho dừng lại một loạt dự án thủy điện”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.

“Việc xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện để bổ sung chỉ 100MW là không hợp lý. Tổng lượng điện Việt Nam hiện nay là 45.000MW thì 100MW đóng góp bao nhiêu. Tự nhiên phá tan dòng sông chỉ vì 100MW điện là rất vô lý. Chẳng qua xây thủy điện để có thêm nguồn kinh phí địa phương”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Ngoài ra, PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng bày tỏ sự lo ngại khi xây thủy điện, ngoài việc khai thác điện bán thì trong quá trình xây hồ chứa nước, doanh nghiệp sẽ nạo vét khai thác khoáng sản, khai thác cát và kéo theo nhiều bất cập khác.

Vì sao chính quyền tỉnh Lào Cai đồng ý về chủ trương cho Công ty TNHH Bình Minh Sa Pa được khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án Thủy điện Thái Niên và Thủy điện Bảo Hà trên sông Hồng vào Quy hoạch Thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai? Đổi lại, nhà đầu tư sẽ phải đáp ứng những điều kiện gì? Việc đề xuất trên có khả thi và đúng Luật Quy hoạch 2017 hay không?

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

“Về mặt hiệu quả kinh tế dự án, tôi không đánh giá sâu, nhưng về mặt môi trường thì dự án này chắc chắn sẽ tác động ghê gớm chứ không nhỏ”, ông Nguyễn Khắc Kinh nói về việc đầu tư tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top