Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp triển khai tại số 52 Lĩnh Nam (gọi tắt là dự án chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam) do Công ty CP Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 tòa tháp 18 và 27 tầng, nhà vườn liền kề được khởi công vào năm 2009 nhưng cho đến nay, đã 9 năm nhưng dự án vẫn dở dang nhiều hạng mục và người dân mới chỉ được chủ đầu tư tạm bàn giao.
Khách hàng bị bỏ rơi
Nhiều khách hàng mua dự án chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam này cho biết, tính đến thời điểm năm 2013, nhiều khách hàng đã nộp 95% giá trị căn hộ nhưng dự án vẫn bất động không hiểu vì lý do gì. Theo tính toán sơ bộ, với gần 300 căn hộ tại dự án này, chủ đầu tư đã thu của người dân từ 400 - 500 tỷ đồng.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực”.
Theo ông Nguyễn Vũ Uy, một khách hàng mua nhà tại dự án cho biết, hiện tòa 18 tầng người dân đã về ở gần kín, tòa 27 tầng cũng đã có vài chục hộ về ở. Nhiều khách hàng phải đi thuê nhà, vay mượn ngân hàng để mua nên đành chấp nhận việc bàn giao tạm của chủ đầu tư vào sửa chữa để ở.
“Đã hơn 2 năm rồi mà cư dân của dự án không biết đến khi nào mới được bàn giao chính thức. Khoảng 450 nhân khẩu sống vất vưởng cùng tiến độ thực hiện của dự án, luôn đối diện với nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy do dự án chưa được nghiệm thu”, ông Vũ nói.
Do tòa nhà chưa hoàn thiện, các công năng của hệ thống xử lý rác thải, hệ thống mạng… đều chưa đáp ứng nhu cầu khiến cảnh quan môi trường nhếch nhác, thiếu thốn. Nhiều hạng mục thi công dở dang nhiều năm nay như: Thang máy chưa lắp đủ, các tầng thương mại chưa hoàn thiện, tầng hầm cũng chưa xong khiến bụi bặm bẩn thỉu... mà hàng ngày cư dân phải băng qua những chỗ đó để lên căn hộ của mình.
Chưa hết, những khách hàng “hết cách” đã về sinh sống cũng luôn bức xúc khi điện, nước sinh hoạt hàng tháng đều phải trả ở mức giá rất cao. Chị Nguyễn Thị Thùy, chủ một căn hộ ở tòa 27 tầng khá bất ngờ khi mỗi tháng gia đình phải trả tiền điện với giá 2.570 đồng/kwh và hơn 22.000 đồng/m3 nước; các mức giá này đều chưa có thuế phí.
Liên quan đến dự án chưa đủ điều kiện bàn giao, UBND phường Mai Động đã tiến hành kiểm tra nhưng chủ đầu tư chưa đưa ra được các văn bản hoàn thiện dự án theo quy định. Về việc này, UBND phường Mai Động đề nghị Công an phường tạm dừng việc xác nhận đăng ký hộ khẩu thường trú KT1, KT2, KT3 đối với cá nhân, hộ gia đình đã ở tại dự án chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam khi chưa được nhận bàn giao chính thức.
“Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ”, Điều 18 Luật Cư trú quy định.
Theo quy định, việc đăng ký thường trú có ý nghĩa quan trọng trong quản lý cư trú, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân và góp phần phục vụ các nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước tại địa phương, giữ gìn an ninh, trật tự. Cùng với việc không được đăng ký thường trú, đời sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chủ đầu tư đã “biến mất”?
Trong quá trình triển khai dự án (từ năm 2009-2011), chủ đầu tư Lilama đã mắc phải hàng loạt các sai phạm. Đơn cử như, đã tổ chức bán căn hộ và huy động vốn của khách hàng tới 70% giá trị căn hộ chưa được cấp phép...
Ngoài ra, theo báo cáo kết quả thanh tra dự án chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam ngày 29/7/2013 của Thanh tra Bộ Xây dựng có nêu rõ: Qua rà soát kiểm tra, chủ đầu tư đã thi công không đúng giấy phép xây dựng đã cấp. Theo đó, tại các trục A, B từ tầng 4 đến tầng 19, chủ đầu tư đã đổ bê tông bịt các ô thoáng để làm lô gia cho 4 căn hộ với diện tích là 31,8m2/tầng. Tại các trục G, H từ tầng 4 đến tầng 19 chủ đầu tư đã đổ bê tông bịt các ô thoáng để làm lô gia cho 4 căn hộ với diện tích là 19,68m2…
Đoàn thanh tra cũng yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc sử dụng sai mục đích, thay đổi công năng của một số căn hộ khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện mọi biện pháp để hoàn thiện dự án...
Năm 2015, tại công trình chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam, thang máy thi công công trình này khi đưa 3 công nhân lên tầng cao đã bị rơi tự do từ tầng 30 xuống đất. Vụ tai nạn đã khiến 2 trong số 3 công nhân này tử vong, người còn lại bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Thế nhưng, nhiều năm qua, hàng loạt các sai phạm tại dự án không được giải quyết, quyền lợi của khách hàng không được thực hiện... chủ đầu tư còn thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động cho biết, UBND phường đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nhằm giải quyết các vấn đề lùm xùm tại dự án này, thế nhưng chủ đầu tư luôn cử người đại diện đến họp nhưng lại không có quyền quyết định.
Cũng theo ông Thịnh, bên cạnh các vướng mắc về việc dự án chậm tiến độ nhiều năm, công trình chưa được hoàn thiện đã để khách hàng vào sinh sống, chủ đầu tư còn đang vi phạm trật tự xây dựng tại khu thấp tầng từ năm 2011.
Về thông tin dự án chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam đổi chủ, vị Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động cho biết, theo ý kiến của ông Phạm Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lilama Hà Nội: “Hiện tại, Công ty CP Lilama Hà Nội đang do Công ty mua bán nợ (DATC) thuộc Bộ Tài Chính quản lý và điều hành”. Tuy nhiên, trong cuộc họp tháng 9/2017, Công ty DATC đã không đến dự họp theo giấy mời của UBND phường Mai Động mà lại chuyển đến cho ông Hải tham dự./.