Aa

Bộ TN-MT đôn đốc xử lý vi phạm, không để rác tồn đọng trong nội đô

Thứ Sáu, 20/11/2020 - 11:20

Theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, hơn 2.000 hộ dân quanh bán kính 500m bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn sẽ được di dời đến các khu tái định cư, cách bãi rác từ 1 đến 7km.

Để giải quyết tình trạng rác thải sinh hoạt hiện nay nói chung và tình trạng rác thải xử lý bãi rác Nam Sơn nói riêng, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trước mắt sẽ đôn đốc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải; tuyên truyền, ổn định tư tưởng cho người dân; không để rác tồn đọng trong khu vực nội đô.

Toàn cảnh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Công tác thu gom, xử lý rác thải vẫn còn gặp khó

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước hiện có khoảng hơn 64.000 tấn/ngày (trong đó đô thị 35.600 tấn/ngày, nông thôn 28.400 tấn/ngày). Việc phân loại tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao.

Công tác vận chuyển rác ở phần lớn các địa phương hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn; các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Năng lực vận chuyển của một số địa phương còn hạn chế, phương tiện vận chuyển còn gây rò rỉ, rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển.

Về quy trình xử lý, hơn 70% tổng lượng chất thải sẽ được chôn lấp. Một số địa phương đã đầu tư các lò đốt cấp xã để xử lý chất thải rắn, góp phần giải quyết vấn đề chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn. Tuy nhiên, một số lò đốt có công suất nhỏ không đáp ứng yêu cầu về công suất tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Quy chuẩn Việt Nam về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, hiện nay, trên cả nước còn để xảy ra một số vụ khiếu kiện phức tạp liên quan đến việc xây dựng và triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có vụ việc người dân tại xã Nam Sơn (Hà Nội) cản trở, phản đối hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Nam Sơn như đại biểu Quốc hội đã nêu.

Cụ thể, theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, hơn 2.000 hộ dân quanh bán kính 500m bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn sẽ được di dời đến các khu tái định cư, cách bãi rác từ 1 đến 7km. Tuy nhiên, người dân cho rằng thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn chậm thực hiện các chính sách phục vụ công tác di dời nên nhiều lần chặn xe vào khu xử lý rác.

Bên cạnh đó, bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trong tình trạng quá tải, bãi rác đã đi vào vận hành hơn 20 năm (thời hạn vận hành bãi rác là 20 năm) song việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các kết luận, văn bản chỉ đạo của thành phố tại cấp cơ sở còn chậm và bị động, không giải quyết căn cơ các vấn đề phát sinh.

Hạn chế chôn lấp, di dời dân ra khỏi “điểm nóng”

Đề cập đến giải pháp xử lý, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, Bộ đã rà soát các quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất phương án sửa đổi làm cơ sở thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; tổ chức đoàn công tác làm việc với 63 tỉnh về công tác quản lý chất thải rắn tại các địa phương;…

Công nhân môi trường rắc chế phẩm khử mùi tại bãi rác Nam Sơn. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Về phía các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố cũng đã lập quy hoạch quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó còn có các quy hoạch vùng về quản lý chất thải rắn như: quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030, quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn lưu vực sông Cầu đến năm 2020,…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở cả đô thị và nông thôn tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (tăng 7% so với năm 2016, tăng 6% so với năm 2018), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (tăng 6% so với năm 2018).

Vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong thời gian tới sẽ quyết liệt yêu cầu các địa phương khi thực hiện tiêu chí về môi trường trong khuôn khổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới không đầu tư các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tập trung phân loại rác tại nguồn trên địa bàn, tăng thêm chất thải có khả năng tái chế, hạn chế chôn lấp; giải tỏa đền bù, di dời người dân ra khỏi khu vực xung quanh các bãi chôn lấp.

Cùng với đó, Bộ này sẽ duy trì các tổ giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân; đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, cơ quan đứng đầu nhà nước về quản lý môi trường cũng sẽ ghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Riêng đối với thành phố Hà Nội, bên cạnh việc đôn đốc rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải; không để rác tồn đọng trong khu vực nội đô, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án xử lý rác thải công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong đó, trọng tâm là dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện với công suất thiết kế 4.000 tấn/ngày đêm tại Sóc Sơn, bảo đảm hoàn thành trong năm 2021; dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện với công suất thiết kế từ 1.500 tấn/ngày đêm đến 2.000 tấn/ngày đêm tại Sơn Tây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top