Aa

Bất động sản 24h: Lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc bãi rác Nam Sơn

Thứ Năm, 05/11/2020 - 10:30

Lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc bãi rác Nam Sơn; Hà Nội thông minh - Hãy bắt đầu từ… rác; Nhóm “Big 4” ngân hàng ráo riết tăng vốn... là những tin tức đáng chú ý 24h giờ qua.

Lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc bãi rác Nam Sơn

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp xử lý, khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo công tác vận hành tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Sau khi nghe UBND huyện Sóc Sơn báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân, trong đó có chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội (chủ đầu tư dự án) chịu trách nhiệm chi trả tiền theo đúng phương án đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt theo quy định và theo thẩm quyền.

Các trường hợp đã có kết luận rõ của Thanh tra TP về việc cấp giấy chứng nhận sai quy định, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp sai, đồng thời phê duyệt phương án bồi thường đất ở theo đúng hạn mức quy định của pháp luật về đất đai.

Các trường hợp chưa đủ cơ sở để Thanh tra TP ra kết luận (do UBND huyện Sóc Sơn không cung cấp được hồ sơ cấp giấy chứng nhận trước đây) thì giao UBND huyện Sóc Sơn rà soát và xử lý theo 2 hướng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội thông minh - Hãy bắt đầu từ… rác

Chặn xe chở rác, có nghĩa là rác trong nội thành không có lối thoát và ùn ứ lên nhanh chóng với tốc độ 6.500 tấn/ngày, đêm

Hà Nội lại nóng lên vì chuyện rác khi ngày 23/10, người dân quanh bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tái diễn cảnh chặn xe vào đổ rác. Như vậy, đây là lần thứ 8 người dân chặn xe vào bãi rác này và là lần thứ 2 trong năm 2020. Nguyên nhân vẫn là chuyện ô nhiễm. Ô nhiễm từ bãi rác; không, phải gọi là “biển rác” mới đúng, bởi quy mô của khu xử lý rác này đã lên tới hàng trăm héc-ta và còn tiếp tục mở rộng. Ô nhiễm do xe chở rác vung vãi cả rác và nước rỉ rác dọc đường… Nhưng lần này mức độ nặng hơn do cốt rác lên cao và do gió mùa thổi xộc thẳng vào khu dân cư.

Chặn xe chở rác, có nghĩa là rác trong nội thành không có lối thoát và ùn ứ lên nhanh chóng với tốc độ 6.500 tấn/ngày, đêm. Mặc dù đã có “kinh nghiệm” qua các lần ùn ứ rác, nhưng chỉ vài ba ngày là dân tình đã nhao lên vì không chịu nổi. Vậy mà người dân Nam Sơn phải sống chung với rác hàng chục năm nay với mức độ gấp hàng nghìn lần. Nói như thế để thấy, nỗi khổ của người dân sống cận kề bãi rác cơ cực đến thế nào. Theo quy định, bãi rác phải cách khu dân cư tối thiểu 500m nhưng hiện tại, do phải cơi nới vì đã quá tải, có nhà dân chỉ còn cách bãi rác… 100m.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhóm “Big 4” ngân hàng ráo riết tăng vốn

Chính phủ mới ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, bổ sung các NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vào danh mục doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp này. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm Big 4 gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã có cửa tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Tăng vốn cho các NHTM vốn Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tạo tiền đề tăng trưởng các năm sau. 

“Trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm”, đại diện Agribank từng chia sẻ. Mức vốn tự có thiếu hụt trong giai đoạn 2019 - 2021 để đáp ứng chuẩn mực theo Basel II là rất lớn. Tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019 của NHNN chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%). Theo báo cáo của Agribank, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ có thể đạt mức 4,5 - 5%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Danh sách các dự án vừa được phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư

Thị trường bất động sản những tháng cuối năm trở nên sôi động khi hoạt động quy hoạch, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch diễn ra tại nhiều địa phương như: Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đắk Nông...

Phú Thọ: Sắp có dự án nhà ở hơn 835 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất đối với dự án Khu nhà ở Chí Đám, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng. Dự án có tổng chi phí thực hiện 835,385 tỷ đồng.

Trước đó vào hồi tháng 3/2020, HĐND tỉnh Phú Thọ đã có nghị quyết về việc đồng ý một số dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh này.

Đắk Nông: Tìm chủ đầu tư dự án khu đô thị 142 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất đối với Khu đô thị mới số 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa.

Dự án có phía Tây Nam giáp đất rẫy; phía Tây Bắc giáp đường hiện hữu mới mở; phía Đông Bắc giáp đất rẫy; phía Đông Nam giáp đất dự án của Tập đoàn VNPT.

Tổng chi phí thực hiện dự án là 142 tỷ đồng. Hiện trạng đất chưa giải phóng mặt bằng...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Long Thành: Tâm điểm bùng nổ của khu vực phía Nam

Trong những năm gần đây, thị trường nhà đất tại TP.HCM ghi nhận tình trạng khan hiếm nguồn cung, quỹ đất thu hẹp, cung không đủ cầu. Chính vì thế, sức nóng tại tâm điểm TP.HCM bắt đầu chuyển dịch sang các vùng giáp ranh thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An…

Qua khảo sát thị trường mới đây của Batdongsan.com.vn, sức hút của kênh đầu tư bất động sản vẫn giữ ngôi đầu. Đáng chú ý, phân khúc đất nền và nhà phố tại các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, được quan tâm hơn hết và có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất, nguyên nhân do nơi đây còn nhiều quỹ đất, hệ thống giao thông được mở rộng và phát triển, mức giá còn mềm so với trung tâm thành phố. Cũng từ đó, các nhà đầu tư lớn cũng đã có nhiều động thái chuyển hướng đầu tư sang các thị trường bất động sản mới.

Trong số những thị trường giáp ranh TP.HCM, Long Thành (Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nối bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối. Mức độ quan tâm đến các dự án bất động sản tại Long Thành (Đồng Nai) thời gian gần đây luôn ở mức cao.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top