Aa

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Tình trạng "báo hóa" tạp chí là sai luật

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 11:30

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 8/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn đề các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học - Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của giới trẻ. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại thông minh đến sức khỏe con người.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội cao.

“Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5 - 3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng nó sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy”, Bộ trưởng Hùng phát biểu.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)

Hiện Bộ đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Trên thế giơi, một số nước có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh, có nước thì hạn chế thời gian trẻ em chơi game.

“Báo hóa” tạp chí là sai luật

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật Báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí.

Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.

Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định)

Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.

“Bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo. Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình)

Bộ sẽ cùng với Hội Nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

Lúc nào mạng xã hội trong nước đủ mạnh để thay thế được mạng xã hội nước ngoài?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu thực tế: "Hiện nay người Việt Nam tham gia mạng xã hội nước ngoài nhiều hơn rất nhiều so với mạng xã hội trong nước. Tôi biết bộ trưởng rất tâm huyết với vấn đề này, vậy đến lúc nào mạng xã hội trong nước đủ mạnh để thay thế được mạng xã hội nước ngoài?"

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu tài khoản. Với tốc độ này thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 90 triệu tài khoản, tương đương với mạng nước ngoài. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những thông tin chỉ diễn ra trên một mạng xã hội? Đây cũng là vấn đề an ninh quốc gia. Nếu mỗi người dùng vài mạng xã hội, chúng ta phân tán dữ liệu ấy ra thì sẽ đảm bảo tính an toàn.

Bộ trưởng cho biết thêm là đến nay có rất ít nước làm được mạng xã hội. "Vậy chúng ta có mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài không? Không. Mỗi một mạng xã hội có tính chất, ưu điểm, mục đích khác nhau".

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta là đất nước mở nên chúng ta kêu gọi mọi người vào Việt Nam làm ăn. Chúng ta chỉ có một yêu cầu thôi là vào thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây là làm cho Việt Nam thịnh vượng".

Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm của chúng ta là giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng.

Theo Bộ trưởng, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.

Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top