Chiều 6/11, tham gia trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề đất nông nghiệp theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần có những quy định cụ thể đối với những vùng đất “bờ xôi ruộng mật” để phát triển an ninh lương thực quốc gia.
Hình thành các ngân hàng quỹ đất
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (thành phố Đà Nẵng) liên quan đến vấn đề bảo vệ đất nông nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Quốc hội, Chính phủ đã có những quy định cụ thể về việc phân bổ đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
“Nếu chuyển đổi 10 hécta đất lúa cũng cần phải có những trình tự, thủ tục báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thấy rằng vấn đề đất nông nghiệp hiện nay đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ,” Bộ trưởng dẫn chứng.
Tuy nhiên, ông Hà cũng lưu ý, với những vướng mắc trong việc bảo vệ đất nông nghiệp, hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cần có những quy định cụ thể đối với những vùng đất “bờ xôi ruộng mật” để phát triển an ninh lương thực, những vùng đất bạc màu không phù hợp phát triển nông nghiệp để có thể chuyển sang phát triển cụm công nghiệp công nghệ cao…
Cùng mối quan tâm, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (thành phố Hà Nội) cho rằng vấn đề kinh tế hộ nhỏ lẻ tích tụ tập trung đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh việc bảo vệ đất nông nghiệp thì việc tích tụ hay tập trung đất đai không thể chuyển quyền lợi sử dụng đất của người dân, đảm bảo cho người dân luôn có sinh kế lâu dài.
Theo ông Hà, hiện nay các mô hình dồn điền đổi thửa, liên doanh liên kết các hợp tác xã được triển khai nhiều nơi, người dân tham gia được hưởng lợi các giá trị thành quả từ đất nông nghiệp.
Vị tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và đang xem xét Nghị định để cụ thể hoá các mô hình trên hình thành các "ngân hàng quỹ đất." Đây sẽ là nơi người dân tin tưởng để nhận gửi đất, doanh nghiệp sẽ thuê lại đất theo cam kết.
Đặc biệt, trong cơ chế thị trường như quỹ bảo hiểm với quá trình tích tụ ruộng đất nông nghiệp, việc bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp khi nhận chuyển quyền sử dụng đất này sẽ được quan tâm bảo vệ quyền lợi, tương tự cũng sẽ bảo vệ quyền lợi của nông dân sở hữu đất.
Sắp xếp quy hoạch phát triển hạ tầng nông thôn
Về vấn đề thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những kết quả rất phấn khởi trong xây dựng nông thôn mới, nhất là về đích sớm hơn gần 2 năm trong những năm qua.
Tuy nhiên vấn đề nông thôn mới vẫn chưa thực sự giải quyết tốt vấn đề môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn trong giai đoạn tới mà đại biểu đưa ra.
Ông Hà chỉ ra rằng hiện nay vấn đề nông thôn vẫn còn những vướng mắc, bất cập về các công tác thu gom chất thải, thu gom nước thải tập trung, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm môi trường nơi làng nghề, cụm công nghiệp…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét điều chỉnh, sắp xếp các quy hoạch phát triển hạ tầng nông thôn.
Theo ông Hà, việc sắp xếp này nhằm đảm bảo không xung đột với các quy hoạch làng nghề, cụm công nghiệp hiện nay đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, cũng như đạt được mục tiêu môi trường trong nông thôn mới đã đặt ra.
Liên quan đến vấn đề chôn lấp, xử lý, tiêu huỷ gia cầm, gia súc dịch bệnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề này “không hề mới” và với trách nhiệm quản lý của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định cụ thể việc xử lý vấn đề này để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường được an toàn nhất.
Ông Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học để cùng nghiên cứu để đưa ra những phương án tối ưu hơn. Trước mắt, hai phương án được Bộ đưa ra là tiêu huỷ và chôn lấp hợp vệ sinh.
“Tuy quy định đưa đã được đưa ra nhưng để thực hiện đúng hay không cần phải có công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ,” ông Hà lưu ý./.