Aa

Bộ trưởng đặt hàng các "doanh nghiệp nghìn tỷ" giúp báo chí

Thứ Năm, 14/11/2019 - 06:15

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “đặt hàng” các doanh nghiệp nghìn tỷ các sản phẩm cụ thể, với mong muốn tìm ra mô hình kinh tế mới cho báo chí.

Báo chí đang đi sau

Tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”, sự kiện do Cục Báo chí (Bộ TT&TT) tổ chức sáng 13/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là sự kiện khởi động chuỗi hành động nhằm thực hiện Sáng kiến phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024.

Cho rằng công nghệ không hạn chế mà sẽ giúp báo chí thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí phải đổi mới, trước khi công nghệ chuyển sứ mệnh ấy cho một lực lượng khác.

Đặt ra hàng loạt câu hỏi để những người lãnh đạo các cơ quan báo chí phải tìm ra hướng đi sắp tới cho mình, ông nói: Mọi người đều nói công nghệ số sẽ tạo ra Big bang trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng báo chí chúng ta lại đang là người đi sau về công nghệ nhất.

Đứng trước những thách thức của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc đã bỏ cuộc. Hoặc chưa từng bắt đầu.

Theo Bộ trưởng, nhiều cơ quan báo chí đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu?

Phải ưu tiên việc gì trước? Việc gì sau? Phải tự mình đốt đuốc tìm đường, hay có thể kết nối nhau lại, cùng làm để tiết kiệm chi phí và chia sẻ nguồn lực?

Phải có giải pháp công nghệ, nhưng làm với ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, và quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang mơ ước?

Báo chí cần mô hình kinh tế mới

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hàng loạt câu hỏi và “đặt hàng” các doanh nghiệp nghìn tỷ các sản phẩm cụ thể, với mong muốn tìm ra mô hình kinh tế mới cho báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới, đặt báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại. Vì thế, tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí”.

Hiểu rõ những khó khăn của báo chí hiện nay về nguồn lực, về công nghệ và về kênh phân phối, Bộ trưởng Bộ TT&TT “đặt hàng” luôn các doanh nghiệp lớn có lãnh đạo tham luận tại Diễn dàn như Viettel, Mobifone, Vccorp, CMC, Yeah1…

"Các doanh nghiệp viễn thông trăm ngàn tỷ như Viettel, VNPT và MobiFone, với các tiềm lực tài chính, hạ tầng, công nghệ và cả nghĩa vụ dẫn dắt hệ sinh thái nội dung số, phải là những doanh nghiệp đầu tiên đồng hành cùng báo chí trong công cuộc chuyển đổi số báo chí. Một mô hình kinh doanh mới, một hệ sinh thái mới cần được phát triển để báo chí có thể làm tốt hơn sứ mạng của mình. Các doanh nghiệp công nghệ số cần chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà và cũng là vì sự phát triển của chính mình”, ông nói.

Bộ trưởng Hùng đề nghị Viettel có gói cước riêng cho độc giả đọc báo với chi phí rẻ và giảm giá dịch vụ hạ tầng viễn thông, cloud cho các cơ quan báo chí. Vừa rồi, hoan nghênh Viettel đã giảm giá dịch vụ đường truyền cho 20 đơn vị báo chí, nhưng phải mở rộng hơn nữa. 

"Báo chí sản xuất nội dung, tăng thêm người sử dụng cho nhà mạng, các anh lại thu tiền đường truyền mà không hỗ trợ thì không hợp lý, phải có giải pháp cho việc này…", Bộ trưởng nói.

Ông cũng gợi mở các doanh nghiệp công nghệ như Vccorp nên hoàn thiện phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu báo chí (CMS) cung cấp cho các tòa soạn với giá và phương thức hợp tác hai bên cùng có lợi.

Bộ trưởng khẳng định những năm tới sẽ có kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực báo chí đáp ứng yêu cầu mới. Ông gửi lời cảm ơn Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã dành 25 tỷ đồng hỗ trợ Cục Báo chí tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.

“Ai không trả lời cứ phản ánh tới tôi”

Lắng nghe ý kiến chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bị tấn công qua mạng, về việc thông tin sai các sự cố công nghệ thông tin có thể gây tổn hại rất lớn về kinh tế, chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các Cục trưởng, Vụ trưởng của Bộ hỗ trợ các báo về kiến thức đảm bảo an toàn hệ thống.

“Các anh Vụ trưởng, Cục trưởng ở đây phải lắng nghe, trả lời phỏng vấn của báo chí, để đảm bảo thông tin chính xác kịp thời về các sự cố công nghệ. Ai không trả lời báo chí các anh (phóng viên) cứ phản ánh lại với tôi", Bộ trưởng vui vẻ trao đổi.

Tại diễn đàn, đại điện Thông tấn xã, các doanh nghiệp công nghệ đã giới thiệu các phần mềm, ứng dụng đang được sử dụng rộng rãi và là tương lai của báo chí thế giới như đọc báo qua loa thông minh, tìm thông tin trên mạng bằng giọng nói thay vì gõ bàn phím, chat với trợ lý ảo (chatbot), các công cụ thu phí người xem. MobiFone thông báo sẵn sàng miễn phí 6 tháng phần mềm chuyển nội dung chữ sang giọng đọc (voice) cho các báo điện tử…

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cũng bày tỏ sự quan tâm tới AppNews của Yeah1 khi được biết tham gia nền tảng phân phối báo chí này, các báo sẽ cùng được chia sẻ lợi nhuận quảng cáo tùy theo số lượng bạn đọc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top