Aa

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì về 3 vùng BĐS mới nổi của Việt Nam?

Thứ Bảy, 12/08/2017 - 06:01

Trong giai đoạn 3-5 năm tới, Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành 3 vùng kinh tế đặc biệt mới của Việt Nam theo định hướng phát triển của Chính phủ đã đề ra. Tại đây, không chỉ thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới về du lịch mà còn cả nhiều dự án casino theo một thể chế mới, tạo một sân chơi đủ để các nhà đầu tư cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2017, dù phải đối phó với nhiều thách thức nội tại, cũng như những biến đổi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Theo đó, nền kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính , tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, đồng thời đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, triển khai một loạt chính sách nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam hiện đang hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu... đặc biệt, là chương trình hành động để thực hiện 3 nghị quyết quan trọng Đảng về phát triển thể chế kinh tế thị trường; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; và phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 3 đột phá từ phía Chính phủ đó là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng, là rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng... đều đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh đang có nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua.

Trong đó, phải nói đến Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10/2017.

Đây đều là những bộ luật điển hình của tư duy đột phá ở Việt Nam hiện nay. Đối với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy tắc thị trường được tôn trọng, theo đó việc hỗ trợ được thực hiện thông qua tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ trên nền tảng khung pháp lý khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế; hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước; tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.

"Những cơ chế chính sách tối ưu nhất vẫn đang được Nhà nước nghiên cứu soạn thảo. Trong đó, chúng ta phải đi theo hướng là doanh nghiệp đang cần gì để đáp ứng chứ không phải là theo hướng Nhà nước đang muốn gì. Nhiều khi cho mà họ không cần, mà cái cần thì mình không cho. Nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới thể chế theo hướng tự do đầu tư, tự do cạnh tranh... thì nhà đầu tư sẽ bỏ chạy sang các khu kinh tế của các nước khác. Nhà nước chỉ nắm quyền chỉ đạo những vấn đề thuộc đặc thù về chủ quyền, an ninh - quốc phòng, văn hóa cốt lõi...", Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, ba khu này không chỉ lập ra để phát triển du lịch có casino mà đây là nơi phát triển nhiều ngành nghề nhưng các nhà đầu tư được sở hữu nhà đến 99 năm. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để cải cách thể chế theo thông lệ quốc tế, việc sở hữu nhà đất dài hạn đối với nhà đầu tư từng bước được tháo gỡ, tạo hành lang an toàn để phát triển.

Từ đó, tại các khu kinh tế đặc biệt này sẽ sớm hình thành nên nhiều siêu dự án trung tâm thương mại, hành chính, dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn ngang tầm quốc tế, thu hút được lượng lớn vốn nước ngoài vào đây. Ngoài các ngành nghề trụ cột, chiến lược để làm mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của Chính phủ đề ra, còn các ngành nghề khác thì nhà đầu tư thoải mái thực hiện.

"Chúng ta phải làm sao các ngành nghề này không được xung đột nhau mà phải bổ sung nhau để phát triển. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu tìm hiểu mô hình phát triển của 13 khu kinh tế phát triển trên thế giới để đúc kết một mô hình mới cho Việt Nam", Bộ trưởng nói thêm.

Theo đó, lý do chúng ta hình thành nên 3 đặc khu kinh tế này vì trước giờ Việt Nam chỉ dựa vào tiềm năng tĩnh quá nhiều. Cụ thể là đất nước thuần dựa vào tài nguyên, lao động, thuận lợi của vị trí kinh tế chính trị. Bây giờ những điều này đã tới giới hạn nên phải chuyển sang các tiềm năng động. Đó là tiềm năng về sự sáng tạo, là thể chế, mô hình để Việt Nam tạo ra một cú hích mới.

"Tất cả sự phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua thì chúng ta luôn có bước đột phá sau những lần cải cách. Mỗi một lần cải cách chúng ta đều có động lực mới tạo tăng trưởng ngoạn mục, nhưng những cải cách này đã bắt đầu bão hòa và hết dư địa để tăng trưởng. Thực tiễn này đòi hỏi phải có một cú hích mới", Bộ trưởng lý giải.

Việt Nam cũng có nhiều mô hình như khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu… nhiều năm rồi nhưng chưa đủ một thể chế hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển mạnh mẽ theo xu hướng góp vốn của họ. Đây là nhu cầu xu thế đặc biệt là chuyển đọng của làn sóng đầu tư buộc Việt Nam phải đưa ra thể chế tươi mới đủ sức hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các khu khác trên thế giới. Thu hút được nguồn lực nhanh hơn, tốt hơn, môi tường xanh, sạch hơn, giá trị gia tăng cao hơn. Tất cả nững yếu tố tiên tiến của thế giới có thể áp dụng vào đây một cách tự do và sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Tiếp theo, Luật quy hoạch tạo sự đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch, góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Đây như một phát đại bác bắn vào thành lũy cuối cùng của bao cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh những yếu tố nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, sẽ là một sân chơi mà ở đó nhiều hình thức đầu tư được thực hiện, trong đó hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A), một hình thức được dự báo là sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với những lợi thế so sánh mà Việt Nam có được như: yếu tố địa chính trị, kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam giữ vị trí địa lý và vai trò quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á; yếu tố thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng và thuận lợi hơn; yếu tố về thị trường với dân số trên 90 triệu dân cùng tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển; yếu tố về tiềm năng tự nhiên gắn với du lịch... Những yếu tố trên là đủ để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp suy nghĩ và khám phá, tự nắm bắt lấy các cơ hội để quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho các dự án đầu tư của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức M&A.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top