Đoàn kết, phát huy trí tuệ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách
Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Người đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong năm 2023, lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ, toàn diện các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức phong phú trên tất cả các lĩnh vực quản lý. Qua đó, khơi dậy trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến; nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của ngành Xây dựng năm 2023, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của Ngành và của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã phát động đợt thi đua trong toàn ngành Xây dựng với chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, kịp thời hiệu quả, phát triển bứt phá”.
Bộ trưởng yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống vẻ vang của Ngành; đồng lòng, đoàn kết, phát huy trí tuệ, nỗ lực cao nhất vượt qua khó khăn, thử thách, hăng hái thi đua lao động, học tập; quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ.
Cụ thể, quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền, sinh hoạt chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đặc biệt đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tạo động lực cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hăng hái thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm của ngành Xây dựng.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Xây dựng năm 2024 với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hành động, tạo những chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực quản lý của Ngành. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và Bộ tổ chức, phát động.
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, kế hoạch đề ra
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nhấn mạnh: "Các cơ quan, đơn vị của ngành Xây dựng cần tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật về xây dựng. Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2024. Tăng cường phân cấp, phần quyền cho địa phương, đồng thời đẩy mạnh giám sát, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước".
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của Ngành. Cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; các Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.
Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc; định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025...
Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, trọng tâm là thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định.
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình. Tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng. Chú trọng phát triển vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường.
Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện các chương trình, chiến lược, đề án, kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Đổi mới cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; tập trung nghiên cứu khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm.
Triển khai Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2030. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ tri thức ngành Xây dựng. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.
Mở rộng hợp tác, liên kết; ứng dụng công nghệ mới, đầu tư thiết bị hiện đại, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc cho người lao động…
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong đợt thi đua. Phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến./.