Aa

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: 1 đồng đầu tư vào bất động sản thì thu hút 1,8 - 2 đồng vốn của xã hội

Thứ Hai, 19/02/2018 - 06:01

Năm 2017 là năm ngành xây dựng đạt kết quả toàn điện trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu đồng thời có những bước đột phá mạnh mẽ trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, và cải cách thủ tục hành chính. Qua đó không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.

Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ để làm rõ hơn về những kết quả nổi bật này cũng như những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và định hướng của ngành xây dựng trong năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh VGP Toàn Thắng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh VGP Toàn Thắng

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2017 ngành xây dựng đã đạt kết quả nổi bật, toàn diện trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu nói về những điểm nhấn quan trọng của ngành trong năm qua, Bộ trưởng sẽ nói về điều gì?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là quán triệt và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực phấn đấu cao độ, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, ngay từ đầu năm Bộ Xây dựng đã chủ động, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện của ngành, tập trung vào 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành xây dựng.

Thứ hai, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế; xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống công cụ quản lý để kiểm soát có hiệu quả các hoạt động đầu tư xây dựng; quy hoạch và phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; thị trường bất động sản, nhà ở và nhà ở xã hội; vật liệu xây dựng.

Thứ ba, tập trung hướng dẫn, triển khai các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực của ngành mới được ban hành và tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện. Thứ tư, nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Thứ năm, tập trung thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2017, ngành xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ngành đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu với tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; công tác quản lý đầu tư xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và nông thôn ngày càng đi vào nề nếp; thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục được tăng trưởng; cơ chế chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở, nhà ở xã hội tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

Tính đến hết năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn so với năm 2016; trong năm 2017 đã hoàn thành thêm khoảng 0,19 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 3,49 triệu m2. Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về vật liệu xây dựng chủ yếu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm qua, các doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu và CPH theo phương án được duyệt. Hoạt động đầu tư kinh doanh của các DN có khởi sắc, tốc độ tăng trưởng về sản xuất kinh doanh bình quân đạt 11,1% so với 2016…

Có thể nói, nỗ lực và kết quả quan trọng nhất của ngành trong năm qua chính là đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực. Công tác chỉ đạo, điều hành được đổi mới theo hướng tăng cường quán triệt và ban hành kịp thời các chương trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cụ thể, thiết thực, có trọng tâm trọng điểm; tập trung xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Các quy chế, quy trình công tác được sửa đổi, bổ sung căn bản và kịp thời. Công tác kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ có chuyển biến tốt hơn. Hầu hết các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đều được Bộ tập trung thực hiện và cơ bản hoàn thành...

Đặc biệt, Bộ đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước và đã hoàn thành khối lượng công việc lớn. Thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đã có chuyển biến mạnh mẽ. Bộ đã tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, bộ ngành trong công tác thẩm định dự án, thiết kế; cắt giảm ngành nghề, điều kiện đầu tư-kinh doanh. Công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng được tăng cường.

Tại Hội nghị tổng kết của ngành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao Bộ Xây dựng trong việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về những kết quả này?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo thực hiện và chúng tôi đã đạt được thành công nhất định. Có thể nói, hoạt động xây dựng năm qua đã được thúc đẩy đi vào nề nếp. Bộ đã phát huy được vai trò phổ biến, hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, các chủ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về hoàn thiện thể chế, Bộ đã bảo đảm tiến độ xây dựng 2 dự án luật rất quan trọng: Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc. Trong đó Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ được báo cáo Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2018. Các quy định về quản lý phát triển đô thị từ trước đến nay đã có ở một số văn bản quy phạm nhưng chưa có bộ luật hoàn chỉnh để điều chỉnh phát triển đô thị nên đây là bộ luật được kỳ vọng rất nhiều, nhất là ở các địa phương.

Bộ Xây dựng cũng tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh Luật Quy hoạch trình Quốc hội thông qua. Ngoài ra, Bộ đã chủ động rà soát, hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và đã được Chính phủ thông qua để đưa vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018. Các Luật này sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn.

Đặc biệt, trong năm 2017 có một Nghị định rất quan trọng có thể nói là tháo gỡ cơ bản các vướng mắc của hoạt động xây dựng trong thời gian vừa qua là Nghị định 42 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59 về hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng. Thứ nhất, Nghị định đã tăng cường phân cấp, ủy quyền của Bộ Xây dựng cho các địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội và TPHCM, cũng như một số bộ ngành. Có thể nói, đây là sự phân cấp, ủy quyền mạnh nhất từ trước đến nay. Thứ hai, đã tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Xây dựng. Ví dụ về Ban quản lý dự án , về quy trình thẩm định, vấn đề cấp phép xây dựng...

Tôi muốn nhấn mạnh trong hoạt động xây dựng, đổi mới thể chế phân cấp, ủy quyền trong thẩm định dự án, thẩm định dự toán, thiết kế... là nét nổi bật trong thời gian vừa qua. Qua phân cấp, ủy quyền, số hồ sơ đưa về Bộ giảm đi 75%. Trong hợp đồng xây dựng, chuyển biến rất quan trọng là thay vì cơ quan quản lý tự thực hiện, thì chuyển sang hướng dẫn kiểm tra, phối hợp với các địa phương để kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các sai lầm từ cơ sở. Theo số liệu chưa đầy đủ hiện nay, trong năm 2017 các địa phương và Bộ đã tiến hành khoảng hơn 28.000 lượt thanh tra, kiểm tra. So với năm 2016 giảm đi 13,2% số vụ vi phạm trật tự xây dựng. Đó là những chuyển biến rất lớn.

Bộ Xây dựng cũng là một trong các Bộ được Chính phủ đánh giá cao về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong tổng số 90 thủ tục hành chính, Bộ đã cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 22 thủ tục. Theo Báo cáo về Môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam được xếp hạng thứ 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016, xếp thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam.

Bộ có 17 ngành nghề đầu tư kinh doanh, Bộ đã đề xuất bỏ đi 7 ngành nghề. Trong các số điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ trong lĩnh vực Bộ quản lý thì đã bỏ 43%, đơn giản hóa khoảng 42%, chỉ giữ nguyên 15%. Đây là quyết tâm rất lớn, cũng là cuộc đấu tranh trong nội bộ với tinh thần dân chủ, loại bỏ những lợi ích cục bộ. Qua đó điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của Bộ đã có cải thiện mạnh mẽ.

Bộ Xây dựng cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Theo đó, thời gian thực hiện các thủ tục sẽ rút từ 166 xuống còn 120 thủ tục (giảm 46 ngày). Trong thời gian tới Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng; đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng; giải quyết các bất cập trong lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, bất cập trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; bãi bỏ, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hoạt động xây dựng, cố gắng thúc đẩy để năm 2018 cấp được giấy phép chứng chỉ năng lực thông qua mạng, bỏ cấp trực tiếp.

PV: Có ý kiến cho rằng các Chương trình Nhà ở xã hội trọng điểm tuy đã đạt kết quả bước đầu nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải được khắc phục. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về nhận định này?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Sau một thời gian phấn đấu rất tích cực, hiện nay chúng ta có khoảng hơn 4 triệu m2 nhà ở xã hội (NOXH), so với yêu cầu mới giải quyết được 40% NOXH. Vừa qua, sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng, việc triển khai xây dựng NOXH có chậm lại. Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra đầy đủ quy định, chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tuy vậy, do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp, việc bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân có thu nhập thấp.

Hiện nay, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới bố trí được khoảng 1.200 tỷ, đây là lượng vốn rất thấp so với nhu cầu. Phát triển NOXH không chỉ là vấn đề an sinh mà còn cả về vấn đề kinh tế nữa. Ở thời điểm năm 2013 khi thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng thì chúng ta kích thích, phát triển NOXH và đó là một lực đẩy cho toàn bộ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển. Nếu như các ngân hàng cho vay 1.000 tỷ phát triển NOXH thì họ sẽ hút được 16.000 tỷ nữa. Nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán về vốn thì sẽ đạt được mục tiêu kép: Vừa thực hiện tốt an sinh xã hội, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đề án phát triển thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng chủ trì cũng đã đề cập nhiều tới việc phát triển NOXH. Cần phải đổi mới tư duy phát triển NOXH. Với các làm hiện nay, có thể không giải quyết được bài toán về NOXH. Trên thế giới, phát triển NOXH đảm bảo hai việc; một là đảm bảo nguồn cung - trước hết phải có nguồn cung cơ bản; thứ hai là bảo đảm về vốn.

Khi xây dựng một khu đô thị, một khu chung cư thì phải tính dành ra bao nhiêu diện tích, bao nhiêu căn hộ là 25 m2, bao nhiêu căn hộ 45-60 m2… bởi nhu cầu của người dân rất đa dạng .Vừa qua, đánh giá của Ngân hàng Thế giới về phát triển đô thị của Việt Nam cho rằng chúng ta đã khắc phục được tình trạng nhà ổ chuột ở các đô thị. Làm được như vậy bởi thời gian qua chúng ta hạn chế xây dựng những khu nhà ở xã hội tập trung vì do giá thấp, điều kiện hạ tầng không đảm bảo thì nếu tập trung chắc chắn sẽ tạo nên những khu ổ chuột. Chúng ta đã phát triển các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển nhà ở xã hội xen kẽ trong đó, nên người dân nghèo vẫn có thể được hưởng hạ tầng chung của khu đô thị

Vấn đề về nguồn vốn, hiện nay các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ qua nhiều hình thức như không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước đầu tư hạ tầng ngoài khu vực hàng rào, rồi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là phân khúc nhà cho thuê còn được hỗ trợ nhiều hơn.

Trong tình hình mới cũng cần phải cân nhắc, xử lý vì như vậy sẽ khó đảm bảo tính minh bạch, đồng thời không đảm bảo nguồn tín dụng, nguồn vốn lâu dài cho phát triển nhà ở xã hội. Về lâu dài chúng ta phải trở lại nguyên lý của thị trường và theo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế, cần có quy định rành rẽ về tín dụng cho vấn đề này. Khi đã giải quyết được nguồn cung sản phẩm, giải quyết được khâu vốn rồi, thì phát triển NOXH sẽ nhiều thuận lợi.

Trước mắt, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho NOXH hiện có, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cơ cấu phân bổ kế hoạch vốn đã giao thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo hướng giảm nguồn vốn đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để dành khoảng 500 tỷ đồng giao các ngân hàng thương mại (do Ngân hàng Nhà nước chỉ định) hỗ trợ lãi suất để cho vay.

Theo đó các ngân hàng sẽ huy động được khoảng 16.000 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội để cho vay; đồng thời xem xét bổ sung thêm nguồn vốn cho nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực tế theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đó, sẽ tháo gỡ được khó khăn về nguồn vốn cho vay, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Cùng với những chính sách đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó các bộ, ngành và chính quyền các địa phương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2017 thị trường bất động sản vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, đúng hướng và lành mạnh. Vậy năm 2018, Bộ Xây dựng có những định hướng lớn gì để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Thị trường bất động sản trong năm vừa qua vẫn có tăng trưởng đạt được sự ổn định tương đối, chưa có biển hiện cực đoan. Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này và mục tiêu phải kiểm soát, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, hiệu quả. Thị trường bất động sản là thị trường hết sức quan trọng trong tổng thể các thị trường nhưng cũng là thị trường hết sức nhạy cảm. Nếu chúng ta làm tốt thì đóng góp vào tăng trưởng và giải quyết việc làm. Liên quan đến phát triển bất động sản, có 90 ngành sản xuất khác nhau. 1 đồng đầu tư vào bất động sản thì thu hút 1,8-2 đồng vốn của xã hội - 1m2 nhà ở chung cư thì phải dành vào đó 20-25 công lao động. Cho nên nó tạo sự thúc đẩy và thu hút các nguồn vốn khác, ngành sản xuất khác rất tốt, là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất lớn. Đặc biệt, năm 2016, 2017 thị trường bất động sản phát triển gắn với phát triển du lịch: Các resort, khu vực ven biển, dự án một số khu vực miền núi trọng điểm, di tích thắng cảnh… thúc đẩy phát triển du lịch, mang lại hiệu quả rất lớn.

Theo các phân tích trong khoảng 10 năm gần đây, năm 2017 là năm có biểu hiện cực đoan, khủng hoảng, nếu theo đúng quy luật. Vì vậy, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành, các địa phương đã thực hiện nhiểu giải pháp để kiểm soát nên không xảy ra hiện tượng bất thường.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng như hiện nay, cung-cầu và cơ cấu hàng hóa bất động sản vẫn chưa được điều chỉnh hợp lý. Chúng ta dư cung sản phẩm cao cấp, thiếu gay gắt NOXH và nhà ở giá rẻ. Trong báo cáo với Chính phủ, Bộ Xây dựng đã mạnh dạn chỉ ra một số phân khúc sản phẩm bất động sản đã quá thừa, đủ dùng đến năm 2025, ví dụ như resort, condotel, officetel.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng rất tích cực thúc đẩy, nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản, nhưng vẫn còn rất chậm. Chính phủ đã ban hành nghị định về xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở, bất động sản, nhưng các địa phương chưa thực hiện tốt vấn đề này. Nếu như chúng ta không làm được vấn đề này thì không có cơ sở để đánh giá, phân tích, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước cũng như công khai minh bạch thị trường để doanh nghiệp và người dân hiểu và tham gia quá trình này. Hiện chúng ta đang ở mức rất thấp trong tính minh bạch bất động sản. Bộ Xây dựng cũng đang tập trung giải quyết yêu cầu này.

Về phát triển các loại hình condotel, officetel, hometel… trên thế giới đã có từ lâu, nhưng với Việt Nam thì mới xuất hiện mấy năm gần đây nên các quy định pháp luật cũng chưa hoàn chỉnh.

Vừa rồi, có hiện tượng một số chủ đầu tư lợi dụng, đưa ra lời chào rất hấp dẫn như “mua 1 căn nhà ở condotel, không phải bỏ vốn. Chúng tôi sẽ thu xếp nguồn tín dụng cho vay, xây dựng phương án để kinh doanh căn hộ, sau 15 năm người mua có căn hộ mà không phải bỏ ra cái gì cả”. Một số luật sư khi xem xét tính xác thực, pháp lý của hợp đồng này thì thấy rủi ro thuộc về khách hàng. Trên thực tế đã xảy ra một số tranh chấp, khiếu kiện, đặc biệt ở Nha Trang, Đà Nẵng. Chính vì vậy Bộ Xây dựng đã khảo sát, nghiên cứu về các loại hình bất động sản này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất hướng giải quyết.

Hiện nay Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”. Đề án tập trung đánh giá thị trường bất động sản trong những năm qua, những vấn đề còn tồn tại, bất cập của thị trường, các yếu tố tác động đến thị trường; dựa trên những đánh giá này để đưa ra dự báo trung hạn cho thị trường bất động sản bao gồm thị trường nhà ở, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và một số thị trường bất động sản khác như bất động sản khu công nghiệp, văn phòng cho thuê, đồng thời Đề án cũng đưa ra một số kịch bản phát triển thị trường bất động sản và các giải pháp để bình ổn thị trường khi phát triển quá nóng hoặc rơi vào tình trạng trầm lắng, đóng băng.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, trong Đề án cũng đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan chuyên ngành liên quan đến thị trường bất động sản để phối hợp thực hiện giúp bình ổn thị trường bất động sản trong từng thời kỳ

Trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến để đề xuất các giải pháp bảo đảm kiểm soát và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nhà ở, thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc.

PV: Bộ trưởng có thông điệp gì tới cán bộ, công nhân viên ngành xây dựng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong năm 2018.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thành Chương trình công tác toàn khóa của ngành. Bộ Xây dựng tiếp tục nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, bám sát chủ đề của năm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và tập trung, cố gắng cao độ để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Bộ đã xác định 11 nhiệm vụ trong tâm với các mục tiêu cụ thể phấn đấu hoàn thành trong năm 2018, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 8,46-9,21%; tiếp tục tạo sự chuyển biến và đột phá trong các lĩnh vực của ngành. Tôi mong rằng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, thể hiện trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top