Bên lề Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam nhiệm kỳ IV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có những trao đổi thẳng thắn với Reatimes về hiệu quả hoạt động của Hiệp hội BĐS Việt Nam thời gian qua; đồng thời, Bộ trưởng cũng đưa ra những phân tích, đánh giá về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
“Lửa thử vàng”
Trong nhiệm kỳ vừa qua, bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành và sự đoàn kết, chung sức của các hội viên, thành viên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tích cực triển khai kế hoạch hoạt động ngay từ đầu nhiệm kỳ với nhiều sự đối mới, tạo ra những bước phát triển, hoàn thành cơ bản các các mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao những hoạt động và sự phối hợp chặt chẽ của Hiệp hội trong công tác phản biện và tư vấn chính sách, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao hầu hết các thành viên, hội viên của Hiệp hội đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, củng cố, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực vào công tác phát triển nhà ở xã hội và các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Có thể nói, kết quả hoạt động của Hiệp hội đã đóng góp tích cực vào việc bình ổn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều công trình, dự án xây dựng các khu đô thị, khách sạn, dịch vụ, giải trí, nghỉ dưỡng… mang tầm cỡ khu vực và thế giới đã tô đẹp thêm cho bộ mặt đô thị. Trong điều kiện còn nhiều thách thức, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là hết sức có ý nghĩa”.
Bên cạnh vai trò quan trọng đối với thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam có đóng góp lớn vào thành công trong công tác quản lý Nhà nước về thị trường BĐS của Bộ Xây dựng. Cụ thể, theo đánh giá của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Hiệp hội đã chủ động kết hợp với Bộ Xây dựng trên nhiều phương diện như: Vấn đề phản biện, tư vấn về chính sách, theo dõi những động thái của thị trường để phản ánh diễn biến trên thị trường…
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong thời gian tới, điều kiện còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các doanh nghiệp BĐS cần tăng cường khả năng phân tích, dự báo thị trường, bám sát tín hiệu thị trường và định hướng của Nhà nước để xác định hoạt động và quyết định đầu tư một cách đúng đắn để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; Tiếp tục làm tốt công tác phản biện, tư vấn chính sách, phối hợp thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến BĐS, trọng tâm là các chính sách phát triển thị trường vốn cho BĐS, các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các vấn đề về minh bạch thông tin, minh bạch hoạt động của thị trường BĐS; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật tới các thành viên, hội viên và người dân; làm tốt việc đánh giá tác động thực tiễn của chính sách; chuẩn bị tốt các điều kiện để có thể tham gia xây dựng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực kinh doanh BĐS phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
“Chúng ta nên đề xuất những giải pháp để hướng thị trường phát triển lành mạnh. Từ đó, tôi cho rằng, Hiệp hội nên duy trì tính chủ động trong vấn đề quan hệ, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý thị trường bất động sản. Tôi tin rằng sau Đại hội, Hiệp hội sẽ củng cố được tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động. Hiệp hội sẽ có những bước phát triển mới. Tôi mong muốn có sự phối hợp, liên kết rất chặt chẽ giữa các thành viên, hội viên của Hiệp hội để cùng cộng tác, sáng tạo trong một môi trường cạnh tranh, tại một thời điểm có nhiều thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh BĐS”, Bộ trưởng kỳ vọng vào hoạt động của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong nhiệm kỳ IV.
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển lành mạnh, có hiệu quả và bền vững, cần có sự cố gắng của các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội và các thành viên của Hiệp hội BĐS Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và BĐS, Bộ Xây dựng luôn dành sự quan tâm và sự phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hiệp hội BĐS Việt Nam hoạt động có hiệu quả.
Huy động vốn cho thị trường bất động sản
Liên quan đến diễn biến thị trường BĐS thời gian qua và triển vọng của thị trường trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hiện nay, Bộ Xây dựng cũng như một số cơ quan liên quan có trách nhiệm theo dõi thị trường; đánh giá, phản ánh diễn biến thị trường BĐS để báo cáo Chính phủ.
“Tôi rất thận trọng khi nói về dự báo phát triển thị trường BĐS vì đây là một vấn đề hết sức khó, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận, đánh giá tổng quát rất nhiều vấn đề liên quan. Nhưng trong ngắn hạn thì tôi cho rằng, chúng ta vẫn có khả năng điều tiết, kiểm soát tốt thị trường BĐS; thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng trên một số phân khúc có thể sẽ chững lại”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định.
Liên quan đến việc ổn định và phát triển thị trường BĐS, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bộ Xây dựng có một số định hướng, giải pháp cụ thể.
Một là, tiếp tục hoàn chỉnh thể chế. “Vừa rồi chúng ta đã có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, … đã tạo ra một hành lang pháp lý rất quan trọng. Tuy nhiên cần phải có những quy chế phù hợp hơn nữa với thực tiễn”, Bộ trưởng cho hay.
Hai là, cần quan tâm phát triển nhà ở xã hội nhằm đảm bảo sự lành mạnh trong phân bố cung cầu những sản phẩm nhà ở phục vụ cho mọi đối tượng. Đặc biệt, chúng ta hướng tới những người thu nhập thấp, đối tượng là người nghèo, ở khu vực nông thôn cũng như công nhân trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, sinh viên...
Ba là, cố gắng đẩy mạnh phân khúc cho thuê. Hiện nay, tại các nước xung quanh hoặc một số nước trên thế giới, phân khúc cho thuê trong phân khúc sản phẩm nhà ở chiếm khoảng 50 – 70%, nhưng tỷ lệ của chúng ta rất thấp. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã và sẽ phối hợp cùng với địa phương nhất là các đô thị lớn thúc đẩy phân khúc này.
Bốn là, tạo dựng được những kênh vốn theo thông lệ quốc tế phù hợp cho sự phát triển thị trường BĐS thay vì như hiện nay, chúng ta chủ yếu huy động qua kênh vốn tín dụng của Nhà nước.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: “Kênh tạo vốn cho thị trường BĐS hết sức quan trọng và đều phải làm theo thông lệ quốc tế để bảo đảm tính thị trường trong hoạt động kinh doanh BĐS. Hiện nay, tại Việt Nam, kênh huy động vốn cho BĐS rất hạn hẹp, chủ yếu mới thông qua tín dụng ngân hàng. Cho nên, đây là một vấn đề tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, buộc chúng ta trong thời gian tới phải tìm ra và thiết lập những kênh mới cho thị trường BĐS …”.
Hiệp hội BĐS Việt Nam đang nghiên cứu cho ra đời ít nhất một Quỹ đầu tư BĐS – một kênh huy động vốn độc lập, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng – Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có một số việc chúng ta phải làm để sớm tạo nguồn vốn cho BĐS. Ví dụ như thành lập một số quỹ tiết kiệm, quỹ đầu tư, thành lập một số hợp tác xã phát triển nhà ở, cái quỹ tiết kiệm…
“Vấn đề ở chỗ, chúng ta đã có một hành lang thể chế nào để cho các quỹ này hình thành trên thực tiễn chưa? Sắp tới, vấn đề này phải được xem xét rất cụ thể. Tôi muốn nhấn mạnh, trước hết, phải có hành lang pháp lý; tiếp đến cần áp dụng một số mô hình tốt ở các nước trên thế giới để dần dần mình chuyển hóa nó và thay đổi cho phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay đất nước cũng đã phát triển đến mức thu nhập trung bình, cái đói cơ bản đã được giải quyết, bây giờ nhu cầu về ở trở nên bức thiết. Trách nhiệm đảm bảo về nhà ở thuộc về Nhà nước, của người dân và của cả cộng đồng xã hội. Và vì thế cần quan tâm tới việc huy động phần tích lũy rất lớn của người dân để phát triển nhà ở. Ngoài ra, nguồn kiều hối hiện nay cũng rất lớn. Lượng kiều hối mỗi năm có đến trên chục tỉ đô la Mỹ. Phải làm sao để huy động được nguồn kiều hối này vào thị trường BĐS đang phát triển”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, những giải pháp tới đây của Bộ Xây dựng sẽ đi theo những hướng đó./.