Reatimes xin giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần I.
Thị trường bất động sản là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống thị trường trong các nền kinh tế, vận hành theo cơ chế thị trường nói chung cũng như đối với Việt Nam - quốc gia đang xây dựng và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường bất động sản, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng về xây dựng và hoàn thiện thị trường bất động sản trong nhiều văn kiện, pháp luật và chính sách.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, phù hợp với quy luật cung - cầu nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất”.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” tiếp tục khẳng định: "Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản. Xây dựng thể chế và các mô hình phù hợp để gắn kết quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng chính sách xã hội về nhà ở”.
Thực hiện chủ trương, định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa và thực hiện nhiều luật pháp, cơ chế, chính sách đối với thị trường bất động sản và các thị trường, công cụ liên quan.
Cụ thể như Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; các nghị quyết số 02/NQ-CP, số 61/NQ-CP năm 2013, 2014 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; các Nghị định số 188/2013/NĐ-CP và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp; Chỉ thị số 2196/CT-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản…
Từ đó, thị trường bất động sản Việt Nam đã hình thành, phát triển và có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước khắc phục, kiềm chế các hạn chế, yếu kém, rủi ro của thị trường này. Từ cuối năm 2013, thị trường bất động sản đã từng bước hồi phục tích cực, đến nay vẫn đang trên đà phát triển ổn định, thể hiện qua một số mặt chủ yếu như sau:
Một là, tính thanh khoản tăng ở hầu hết các phân khúc sản phẩm, các giao dịch đã tăng trưởng trở lại và đang duy trì ở mức khá.
Hai là, cơ cấu hàng hóa bất động sản từng bước được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Ba là, mặt bằng giá cả ngày càng ổn định, phù hợp hơn với khả năng chi trả của số đông người dân.
Bốn là, lượng tồn kho bất động sản liên tục giảm.
Năm là, lĩnh vực đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Sáu là, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản đã từng bước vượt qua được thời kỳ khó khăn, đang tiếp tục phát triển.
Bảy là, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, có tầm cỡ quốc tế, làm thay đổi diện mạo, bộ mặt các đô thị.
Dự báo trong năm 2018, chưa có các dấu hiệu biến động cực đoan lớn của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên có thể nói, tại thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.
Một số biểu hiện cụ thể là: Nguồn vốn đầu tư kinh doanh bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và từ khách hàng, nguồn vốn sở hữu của chủ đầu tư còn thấp; một số nhà đầu tư lớn sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết, dẫn tới việc kiểm soát tín dụng đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và NƠXH. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhất là phân khúc NƠXH để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế rất nhiều về mức thu nhập, chưa thể tự lo được nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngoài ra, tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản còn yếu. Việc triển khai Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản còn rất chậm.
Năng lực của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan quản lý Nhà nước chưa kịp thời ban hành, hoàn thiện thể chế về thị trường bất động sản. Còn thiếu một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để điều tiết và kiểm soát các nguồn lực phát triển bất động sản một cách công bằng, hợp lý và khuyến khích phát triển NƠXH, nhà ở cho thuê. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng sự phát triển của một số loại hình bất động sản mới, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng… Việc bố trí vốn Nhà nước cho phát triển NƠXH thấp và chậm.
Một số doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án có quy mô, sản phẩm hàng hóa chưa phù hợp với yêu cầu thị trường; năng lực tài chính, quản lý còn yếu dẫn tới dự án chậm tiến độ, lãng phí đất đai, nguồn lực. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư với khách hàng.
Một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan hoạt động hiệu quả chưa cao. Đây cũng có thể nói là những điểm nghẽn chủ yếu, cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.
Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng “Đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh” để trình Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể, khắc phục hạn chế, kiểm soát có hiệu quả và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Trong đó có sự chuyển hướng đổi mới tư duy về một số vấn đề quan trọng như các công cụ về thuế; phương pháp lý luận mới, hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn mới để giải quyết hạn chế hiện nay là việc sử dụng đất mật độ thấp, lãng phí nguồn lực đất đai ở các khu đô thị; phát triển NƠXH theo quy luật thị trường và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay./.