Aa

Khi sếp EVN “dọa” giải tán EVN, giá điện sẽ tăng!

Thứ Sáu, 03/05/2019 - 21:50

Dư luận sẽ thông cảm, người dân sẽ đồng lòng, khách hàng sẽ chia sẻ nếu như mọi thứ rõ ràng, thấu đáo.Không thể có chuyện buộc họ phải im lặng chấp nhận khi nói rằng giá tăng thế này, thực tế thế khác

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nói: “Nhiều ông cứ bảo giải tán EVN. Tôi nói thật: giải tán EVN hoặc giải tán các doanh nghiệp nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay”. Dù ông ấy dọa hay chỉ ra thực tế phũ phàng thì cũng đáng để suy ngẫm...

Giá điện tăng và hóa đơn tiền điện đột biến sẽ còn là đề tài tranh cãi nóng trong nhiều ngày nữa, mặc cho những cơn mưa đầu mùa chưa đủ hạ hỏa bức xúc của dư luận. Những lý do như nắng nóng, nhu cầu cao, giá điện tăng, kỳ hóa đơn dài... đã được lặp đi lặp lại trong vô số giải thích của EVN dường như chưa làm thỏa mãn số đông.

Những nghi ngại thực tế tăng ít nhất 35%, có thể tăng 75% hay bậc thang lũy tiến vô lý vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Ồn ào về đầu tư ngoài ngành thua lỗ, đem cả biệt thự, sân tennis, hồ bơi vào giá thành từ các dự án 6, 7 năm trước rồi cũng chỉ là dấu hỏi. Nhưng tiền trả cao hơn khá nhiều, lượng điện tiêu thụ tăng vọt và bức xúc của cả khách hàng tốn nhiều tiền lẫn EVN bị “hàm oan” vẫn còn nguyên đó!

Có vẻ như cách hiểu của khách hàng, những người muốn tất cả phải minh bạch rõ ràng và EVN, nơi “tiến thoái lưỡng nan” với cơ chế tự chủ nửa vời cùng những nhiệm vụ “cao cả” chưa có được điểm chung. Rất nhiều người biết giá bán của EVN có bậc chưa bằng giá thành sản xuất nhưng rất đông người khác lại tức tối nghĩ rằng mình đang trả giá cao hơn những gì EVN trấn an trước khi tăng giá!

Làm sao có thể chung tiếng nói, đồng cách hiểu như chính Phó tổng EVN thừa nhận: “Người dùng nhiều thì muốn một giá để trả ít tiền. Nhưng người dùng ít, dùng 50 số thì bảo phải giữ nguyên cơ chế đó”. Và đây nữa: “Nếu mình để xài xả láng, có lúc sẽ thiếu điện. Tình hình cung cấp điện thời gian tới cực kỳ khó khăn. Một loạt nhà máy xây chậm. EVN chỉ được giao nhiệm vụ xây dựng các nhà máy mới đáp ứng 30% công suất mới, 70% là do bên ngoài đầu tư. Bây giờ bên ngoài chậm, lấy đâu điện mà dùng?”.

Tôi nghĩ dư luận sẽ thông cảm, người dân sẽ đồng lòng và khách hàng sẽ chia sẻ nếu như mọi thứ rõ ràng, thấu đáo. Không thể có chuyện buộc họ phải im lặng chấp nhận khi nói rằng giá tăng thế này, thực tế thế khác. Đừng bảo mọi thứ ổn thỏa nếu nhìn vào những phi vụ thua lỗ khổng lồ của EVN vừa qua giờ vẫn chưa ai chịu trách nhiệm hay bị xử lý đến nơi đến chốn.

Biết rằng một dịch vụ phức tạp, nửa bao cấp nửa thị trường, phần trợ giá phần thu đủ như điện sẽ rất khó phân định rạch ròi. Hiểu rõ ngoài phục vụ khách hàng như một doanh nghiệp, EVN còn phải gánh thêm phần “an sinh xã hội” chắc chắn sẽ không dễ làm hài lòng số đông bức xúc. Tuy nhiên, sớm hay muộn, trước hay sau thì đến 2023, thị trường điện bán lẻ cạnh tranh sẽ phải hình thành và lúc đó khách hàng sẽ có lời giải cho giá điện có như “dọa” của EVN hay không.

Viễn thông, hàng không và rất nhiều ngành hàng đã tốt hơn, khách hàng hài lòng, dịch vụ đa dạng, giá cước hợp lý hơn khi doanh nghiệp độc quyền trước đây hoặc “giải tán” hoặc tự thay đổi. Ngành điện có thể mang đặc thù, trọng trách khác nhưng cũng không thể là ngoại lệ và có lẽ thị trường bán điện sẽ tốt hơn nếu như  “EVN giải tán” dưới hình thức này hay cạnh tranh khác. Ít ra thì EVN cũng có “tấm gương” để soi lại mình trong làn sóng bức xúc những ngày qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top