Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên cùng một số Sở, ban ngành liên quan trực tiếp đến công tác quản lý và sử dụng đất đai. Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, tổng diện tích tự nhiên 5 tỉnh Tây Nguyên đang quản lý, sử dụng là hơn 5,4 triệu ha, chiếm 16,5% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp xấp xỉ 5 triệu ha, còn lại là đất phi nông nghiệp và một phần nhỏ đất chưa sử dụng, với 201 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn (hay còn gọi là nông, lâm trường).
Sau gần 5 năm triển khai ban hành và tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Đất đai năm 2013, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ban hành 147 Quyết định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung về các lĩnh vực giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hạn mức sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Bên cạnh đó các địa phương đã chú trọng công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ, phổ biến luật đất đai tới các bộ, ngành, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất…
Mặc dù công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại cùng những nguyên nhân khiến công tác quản lý đất đai chưa được giải quyết thấu đáo như: Chưa thực sự phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, vẫn còn tình trạng sử dụng quỹ đất Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chưa rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn diễn ra.
Công tác quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn nhiều lỏng lẻo; sử dụng đất không đúng đối tượng , không đúng mục đích. Chưa quản lý và đưa vào khai thác có hiệu quả diện tích nông trường, lâm trường bàn giao lại cho các địa phương; công tác thanh, kiểm tra chưa triệt để, các ban ngành còn đùn đẩy, chồng chéo trong công việc… Cụ thể theo báo cáo đã nêu, với tổng diện tích tự nhiên là 5,4 triệu ha, các địa phương đã giao và cho thuê lên đến 2,3 triệu ha, ngoài diện tích sử dụng đúng mục đích thì có đến trên 63 ngàn ha là đất đang bị lấn chiếm và có tranh chấp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, 5 tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tập trung, rà soát đất đai, lập phương án sử dụng đất trong quản lý nhà nước một cách có hiệu quả; các Bộ, ngành cần đẩy mạnh kiểm tra, hướng dẫn các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp đối với các loại hình giao khoán; đánh giá lại tính hiệu quả, tình trạng quản lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp để xem xét, đề xuất những hình thức đổi mới cơ chế hoạt động sao cho hiệu quả và phù hợp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhấn mạnh: “Một trong những mục tiêu mà chúng ta phải đạt được là ổn định đời sống sản xuất cho bà con, đảm bảo phát triển rừng, đảm bảo sinh kế ổn định cho người dân dựa vào cộng đồng. Đồng thời nếu có những chế độ chính sách thì người ta hoàn toàn có thể tham gia vào bảo vệ phát triển rừng rất bền vững.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết được những tồn tại từ trước tới nay, từ những vấn đề như thiếu cơ sở dữ liệu được đo đạc một cách chính xác, giải quyết những tranh chấp trong quá trình vừa qua để không xảy ra những xung đột giữa người dân với các công ty. Mục tiêu cuối cùng là tìm ra được mô hình thích hợp đối với các công ty trong giai đoạn hiện nay gắn với mục tiêu bảo vệ rừng, khai thác sử dụng hiệu quả đất đai, đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình đổi mới và quá trình quản lý nhằm đáp ứng được các mục tiêu”./.