Thị phần môi giới bất động sản năm 2017: Lộ diện quán quân, Hải Phát Land gây bất ngờ
Kể từ năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục có diễn biến tích cực mặc dù vẫn còn những mặt hạn chế và tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn chung 2017 khép lại một năm đem lại sự khởi sắc cho ngành, với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước (theo số liệu của Tổng cục thống kê), và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư vào những năm tới theo hướng ổn định, bền vững.
Với sự tăng trưởng đó, nghề môi giới bất động sản tiếp tục có một năm nở rộ và góp một phần quan trọng vào sự minh bạch và chuyên nghiệp của thị trường địa ốc, nói như ông Nguyễn Thọ Tuyển – CEO của CENLAND thì "thị trường của chúng ta đang như một người mới lớn bước vào giai đoạn trưởng thành".
Theo số liệu từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam cung cấp, quy mô thị trường 2017 có 218 dự án bất động sản chào bán, cung cấp khoảng 78.877 căn hộ, 13.585 nhà phố và biệt thự, 22.710 nền đất và 22.837 sản phẩm condotel.
Số liệu từ một số sàn giao dịch bất động sản lớn cung cấp cho chúng tôi, cho thấy CENLAND và Đất Xanh Miền Bắc tiếp tục dẫn đầu thị trường, tuy nhiên, đáng chú ý nhất là sàn giao dịch Hải Phát Land đang vươn lên mạnh mẽ trong năm qua, bám đuổi quyết liệt và bất ngờ trở thành sàn giao dịch lớn nhất nhì miền Bắc trong năm nay.
Xem chi tiết tại đây.
"Thiệt đơn, thiệt kép" khi chủ đầu tư chậm bàn giao nhà
Mới đây, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.
Theo đó, Nghị định quy định việc triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ áp dụng xử phạt với mức phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng (Điểm c Khoản 3 Điều 57).
Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trình (Điểm d Khoản 1 Điều 57).
Một số trường hợp, chủ đầu tư chậm tiến độ so với hợp đồng mua bán với khách hàng sẽ phải chịu lãi phạt trên số tiền khách hàng đã đóng. Nhưng hiện đa số chủ đầu tư tìm đủ lý do không chịu trả lãi phần phạt này khiến người mua nhà "thiệt đơn, thiệt kép".
Xem chi tiết tại đây.
Bộ Xây dựng nói gì việc TP.HCM quyết "cấm cửa" căn hộ dưới 45m2?
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng ông đã biết được văn bản của UBND TP.HCM gửi Bộ Xây dựng, về việc một lần nữa thành phố không đồng ý phát triển căn hộ thương mại diện tích nhỏ trong nội đô. Ông Ninh cho biết Bộ Xây dựng sẽ có văn bản gửi TP.HCM đề nghị xem xét lại.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh nhà ở thương mại dưới 45m2 là phù hợp với nhu cầu trên thị trường. Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét, thông qua quy chuẩn cụ thể với loại hình này. Tuy nhiên, thời gian cụ thể quy chuẩn ra đời vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản phản hồi công văn của Bộ Xây dựng về việc Bộ đề nghị thành phố xem xét việc đầu tư căn hộ thương mại nhỏ theo nhu cầu địa phương. Thành phố cũng kiến nghị Bộ xem xét, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, với quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư thương mại là 45 m2.
Trong văn bản này, chính quyền thành phố cũng trích dẫn quy định tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế nhà ở với diện tích tối thiểu căn hộ chung cư là 30 m2 đối với nhà ở xã hội; 45 m2 đối với nhà ở thương mại.
TP.HCM cho rằng khi lượng căn hộ thương mại diện tích nhỏ tăng lên, dẫn đến tình trạng dân số tăng nhanh, từ đó kéo theo các áp lực lớn về hạ tầng, giao thông. TP.HCM còn đang thực hiện các kế hoạch giãn dân ra khu vực ngoại vi, nên không muốn phát triển các loại nhà ở thương mại diện tích nhỏ trong nội đô.
Xem chi tiết tại đây.
Minh bạch thị trường bất động sản
Thị trường nhà ở đang phát triển theo hướng nhiều chủ sở hữu và giảm thiểu đầu cơ tích trữ, thể hiện tính lành mạnh và là dấu hiệu tốt cho sự phát triển thị trường. Tuy quá trình hình thành của tầng lớp giàu có đang tạo ra cơ hội cho các công trình hạng trung và cao cấp, thì thị trường chung vẫn hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Nhu cầu về nhà ở giá rẻ tiếp tục trên đà tăng nhanh tại các khu vực đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Ở TP.HCM, số giao dịch hạng C chiếm khoảng 60% trên tổng số trong 9 tháng đầu năm 2017, trong khi đó con số ghi nhận được vào năm 2016 là 48%. Nguồn tài chính ngân hàng có sẵn cho tầng lớp trung lưu đang phát triển, cộng thêm tỷ lệ thế chấp ổn định sẽ thúc đẩy phân khúc giá rẻ phát triển và gia tăng liên tục vào năm 2018 và thời gian sắp tới.
Bên cạnh thế mạnh thị trường nhà ở, chúng ta được chứng kiến những thành tích vượt trội từ phân khúc văn phòng với tỷ lệ lấp đầy đạt 95% tại TP.HCM và vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là các công trình hạng A. Những khách hàng thuê tiềm năng hàng đầu đều đến từ lĩnh vực F.I.R.E (tài chính, bảo hiểm và nhu cầu liên quan đến bất động sản), theo sau đó là nhóm ngành về sản xuất.
Xem chi tiết tại đây.
Mô hình quản lý quy hoạch & phát triển đô thị vệ tinh trong thực tiễn Việt Nam
Mô hình quy hoạch ĐTVT đã có bề dày lịch sử và được áp dụng tại nhiều vùng đô thị lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng. Trên thực tế quy hoạch đô thị chắc chắn sẽ có nhiều thách thức phải giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển các đô thị này. Các vấn đề đang đặt ra trong quản lý quy hoạch và phát triển các ĐTVT TP Hà Nội sau QHC được duyệt như sau:
– Khác biệt về mức độ phát triển trong xuất phát điểm của các ĐTVT. Các ĐTVT của Hà Nội được quy hoạch trên cơ sở các đô thị hiện hữu có tính chất, quy mô và trình độ phát triển rất khác nhau: ĐTVT Sơn Tây -được quy hoạch trên cơ sở thị xã Sơn Tây (thành phố Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây cũ); Các ĐTVT Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên – quy hoạch trên cơ sở các thị trấn huyện lỵ: Thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), Thị trấn Phú Xuyên và Phú Minh (huyện Phú Xuyên). ĐTVT Hòa Lạc còn đang trong quá trình đầu tư xây dựng trên cơ sở hạt nhân là Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và Khu Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đối với khu CNC Hòa Lạc, một câu hỏi được đặt ra tại sao 18 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (1998), khu này vẫn chưa được định hình, thậm chí chưa phải là một đơn vị hành chính độc lập? Đối với thị trấn Xuân Mai cách khu trung tâm 30km, QHC xem đó là địa điểm để di dời các trường đại học từ nội thành ra, thế nhưng nhiều trường đã lập phân hiệu hoặc chuẩn bị di dời về phía Đông, tuy ra ngoài địa giới Hà Nội nhưng không xa quá (trong vòng15-20km), vì nếu xa quá, nhiều thầy giáo có thể không bám trụ được với trường. Thị trấn Sóc Sơn và thị trấn Phú Xuyên tuy có lợi thế nhất định nhưng về phát triển công nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với một số đô thị trong khu vực gần đó.
Sự khác biệt về mức độ phát triển đô thị này đòi hỏi phải có các mô hình và lộ trình thực hiện phù hợp cho từng ĐTVT trong công tác đầu tư phát triển và quản lý vận hành.
Xem chi tiết tại đây.
Dòng vốn ngoại sẽ “chảy” mạnh vào thị trường địa ốc Việt trong năm 2018
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, trong năm 2017, theo thống kê chưa đầy đủ của CBRE, tổng giá trị giao dịch M&A đã gần gấp đôi so với năm 2016.
“Sự kiện APEC diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua là một cú hích lớn cho thị trường bất động sản khi đã thu hút toàn bộ sự chú ý của quốc tế, mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản trong thời gian tới”, bà An nhận định.
Theo đánh giá của Công ty Jones Lang Lasalle, bên cạnh tiềm năng của một thị trường mới nổi, sự vận động của thị trường, chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thu hút sự quan tâm trở lại của các quỹ ngoại. Lợi suất đầu tư ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng nội địa, đã khuyến khích các quỹ đầu tư chuyển dịch dòng vốn vào đây. Nhờ đó, không ít doanh nghiệp bất động sản đã tận dụng được cơ hội để huy động hàng trăm triệu USD từ các đối tác nước ngoài.
Liên quan đến khả năng đón dòng vốn ngoại trong năm 2018, nhiều chuyên gia bất động sản còn cho rằng, nếu như năm 2017 chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường địa ốc TP.HCM thì năm 2018, Hà Nội rất có thể sẽ có những bước đột phá trong việc thu hút nguồn vốn ngoại.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Walefield Việt Nam nhận định: “Theo tôi, năm 2018 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng về lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào khu vực phía Bắc. Ở phía Nam, giá đang chạm tới điểm bất ổn định cho chủ đầu tư trong việc xây dựng các dự án bất động sản nhà ở, thương mại hay công nghiệp”.
Xem chi tiết tại đây.