Doanh nghiệp Việt không có nhu cầu chuyển giá!
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có FDI tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/ quốc gia có thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam. Nhưng dường như mục đích căn bản này đã không đạt được khi "đánh nhầm" tới hàng loạt doanh nghiệp trong nước với mô hình tập đoàn nhiều công ty con, thay vì các doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết tại Việt Nam.
Sau những thăng trầm của doanh nghiệp và các ý kiến, kiến nghị, Dự thảo lần 1 về sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã nhận được nhiều đồng tình từ doanh nghiệp khi "nỗi oan đánh nhầm" sẽ được giải nếu dự thảo được phê duyệt.
Tuy nhiên, thông tin Bộ Tài chính bỏ quy định cho phép hồi tố mà chỉ đồng ý tăng mức khống chế lãi vay được trừ 20% lên 30% EBITDA đã khiến nhiều doanh nghiệp "mừng hụt".
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico cho hay: "Thực ra trong dự thảo sửa đổi lần này, điều tập trung nhiều nhất mà mọi người quan tâm là trần khống chế chi phí lãi vay được nới lên 30%. Điều này xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua vay mượn cùng nhóm với nhau, pháp luật chỉ cho họ ấn định trần 20%".
Con số 20% đã khiến không ít doanh nghiệp từ lãi thành lỗ bởi khoản thuế phải nộp tăng lên không nhỏ theo quy định của Nghị định 20.
Tuy nhiên, luật sư Hải cho rằng: "Vấn đề ở đây là cần đi từ gốc, Nghị định 20 được lập ra là Nghị định về các giao dịch của công ty liên kết, mục đích chính là chống chuyển giá. Bởi đã diễn ra tình trạng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thay vì nộp thuế ở quốc gia họ đầu tư, đặt chi nhánh thì đã "chuyển giá", mang lợi nhuận về bản địa bằng cách nâng chi phí ở nước ngoài lên, ví dụ: Công ty tại Việt Nam vay công ty ở nước ngoài và khoản vay đấy được đẩy lên một con số cao nhằm hạch toán vào chi phí vay, dẫn đến việc doanh nghiệp tại Việt Nam thoát được khoản thuế phải đóng bởi thua lỗ ảo, trong khi đó công ty mẹ vẫn lãi".
Theo ông Hải, mục tiêu chống chuyển giá này hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế thì hàng loạt doanh nghiệp Việt lại đã và đang phải "chịu trận".
"Việc tận dụng nguồn vốn theo cơ chế thị trường và lãi suất hiện nay là điều rất bình thường, thực tế, các doanh nghiệp Việt không có nhu cầu chuyển giá theo cách đó", ông Hải đánh giá.
Ông Hải nêu ví dụ: Trong cùng 1 tập đoàn, doanh nghiệp A đi vay ngân hàng, dòng tiền về, không có nhu cầu sử dụng, trong khi đó doanh nghiệp B có nhu cầu sử dụng vốn. A cho B vay, thì khi đó, lãi mà doanh nghiệp A cần trả cho ngân hàng - ví dụ là 15%/năm - thì doanh nghiệp A được thu từ B mức lãi suất 15%/năm theo cơ chế thị trường.
Nhưng nếu áp Nghị định 20 (tính trên 20% lợi nhuận trừ đi chi phí) thì có khả năng doanh nghiệp B sẽ không được tính các chi phí lãi vay phải trả cho doanh nghiệp A khi doanh nghiệp A không có lợi nhuận.
Đó là một trong rất nhiều minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt chịu cảnh "chống chuyển giá" nhầm khi cách tính toán và căn cứ của Nghị định 20 không phù hợp với bối cảnh thị trường.
Sẽ rất bất thường và không công bằng cho doanh nghiệp!
"Quy định về chi phí tính lãi vay không đạt được mục đích ban đầu của Nghị định 20 là nhằm chống chuyển giá, mà đã quay lại đánh vào doanh nghiệp Việt, tạo nên sự bất thường về khía cạnh kinh doanh và các logic trong kinh doanh", luật sư Trần Minh Hải đánh giá.
Theo ông, nếu tăng lên 30% thì cũng không giải quyết được vấn đề, hay dù có tăng lên 50% với kết cấu công thức này thì cũng không thay đổi được vì nếu lợi nhuận doanh nghiệp không cao thì không có tiền để được trừ đi. Ví dụ lợi nhuận bằng không (0) thì chi phí không được tính.
"Cần đặt lại câu chuyện từ gốc, đối tượng chống chuyển giá là ai thì nhắm đến, xây dựng quy định hướng đến điều kiện đó, loại trừ các doanh nghiệp Việt. Bất cập ở đây là đánh nhầm đối tượng. Đây là quy định hướng đến mục đích chống chuyển giá, như vậy thì nên hướng đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp liên kết trong nước thì không nên đặt vấn đề này ra. Và với doanh nghiệp trong nước thì đã có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí nào được chấp nhận, chi phí nào không thì Luật này đã làm rất tốt vai trò của mình rồi. Cho nên nếu đặt ra các quy định này nữa thì rất bất thường cho các doanh nghiệp Việt Nam", luật sư Hải khẳng định.
Ở một góc nhìn khác về nội dung dự thảo sửa đổi lần 1 khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, để chờ đợi có một đánh giá đầy đủ về đúng - sai của Dự thảo sửa đổi sẽ mất rất nhiều thời gian và dù có tham khảo kinh nghiệm quốc tế đi chăng nữa thì đó vẫn là một quãng đường dài. Do vậy, để kịp thời áp dụng cho khung tính thuế năm 2019, nên sửa Nghị định theo mức 30% và cho phép hồi tố như Dự thảo sửa đổi lần 1.
Cụ thể: Giữ nguyên mức chi phí lãi vay thuần trong kỳ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu không vượt quá 30% EBITDA năm 2019 (nâng lên từ mức 20% hiện nay).
Tuy nhiên, TS. Lực cho rằng vẫn còn 2 vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay. Thứ nhất, có cho phép hồi tố số tiền thuế đã nộp trong năm 2017 và 2018 hay không. Thứ hai, có cho phép chuyển tiếp sang kỳ tính thuế tiếp theo hay không đối với phần chi phí lãi vay thuần đã không được trừ trong trường hợp doanh nghiệp có EBITDA âm (doanh nghiệp bị lỗ).
Trong trường hợp không cho hồi tố, theo TS. Lực, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng cho doanh nghiệp.
"Điều đó còn thể hiện tính thiếu nhất quán của cơ quan quản lý. Cũng có thể, nếu thực hiện hồi tố, sẽ giảm đi một khoản Ngân sách đã được quyết toán. Nhưng tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc điều này. Đặc biệt là khi mà hành động này thể hiện tính nhất quán trong chính sách và cũng là sự hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19. Đó là cách nuôi dưỡng niềm tin và nguồn thu", TS. Cấn Văn Lực kết luận.