Aa

Bộ Xây dựng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Chủ Nhật, 29/08/2021 - 16:00

Từ ngày 26 - 28/8, Thứ trưởng Lê Quang Hùng - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng đã dẫn đầu Đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Tập trung kiểm tra công trình phục vụ phòng, chống Covid-19

Theo lệnh khẩn cấp, Đoàn công tác tập trung kiểm tra đảm bảo các tiện ích hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Cấp nước, thoát nước, thu gom xử lý rác thải…, xây dựng bệnh viện dã chiến và các công trình xây dựng phục vụ phòng chống Covid-19; công tác phòng, chống Covid-19 trên một số công trường xây dựng được phép thi công; kiểm tra đảm bảo vận hành hệ thống cơ điện trong căn hộ và nhà ở.

Sau khi thực địa kiểm tra tình hình đảm bảo cung cấp nước sạch, thu gom xử lý rác và thoát nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh, trao đổi với các cơ quan chuyên môn của tỉnh về tình hình thực hiện các dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật tại địa phương, cũng như việc triển khai xây dựng, cải tạo bệnh viện dã chiến.

Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh Đồng Nai có 11 bệnh viện dã chiến với tổng số 10.080 giường bệnh (trong đó có 1 bệnh viện dã chiến số 11 với 3.000 giường đang cải tạo sắp đưa vào hoạt động); số lượng khu cách ly là 231 khu với 30.734 giường.

Hiện nay, tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường với công suất trên 500 ngàn m3/ngày đêm. Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai, công ty đang duy trì mọi hoạt động sản xuất bằng cách duy trì hoạt động 3 tại chỗ. Thời gian này, Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi cũng đang tích cực thực hiện việc thu gom rác thải trong khu dân cư, khu cách ly và các bệnh viện dã chiến.

Theo đánh giá của đoàn công tác, các đơn vị đã chủ động đáp ứng nhu cầu hiện nay. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cần lưu ý việc các ca nhiễm của địa phương vẫn chưa cao, do đó phải đề phòng tình huống các ca nhiễm tăng trong thời gian tới sẽ gây áp lực tới các bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, cơ sở hoả táng và hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra, đánh giá và có công tác khử khuẩn nước thải từ các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung… trước khi thải ra môi trường; mùa mưa bão cần có biện pháp ứng phó kịp thời để đảm bảo chống ngập lụt cho toàn tỉnh.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, Đoàn công tác cho rằng, việc thi công công trình trọng điểm trong thời điểm hiện nay là sự cố gắng rất lớn của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, cũng cần phải làm tốt mọi công tác phòng chống dịch bệnh tại công trường theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.

Đoàn cũng đến kiểm tra công tác vận hành cơ điện tại cụm chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận 10. Khu chung cư này có 17 block với gần 9.800 người dân sinh sống là địa bàn nằm trong vùng đỏ của thành phố.

Đảm bảo cung cấp đủ tiện ích hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị

Tại TP.HCM, Đoàn công tác kiểm tra việc cung cấp nước sạch, việc ứng cứu chống ngập, duy trì thu gom xử lý rác thải của thành phố.

Số liệu ghi nhận được, các khu vực tại TP.HCM tiêu thụ khoảng 2 triệu m3/ngày đêm, trong đó Sawaco cung cấp 90% lượng nước sạch tiêu thụ của thành phố, với tỷ lệ thất thoát 19%. Trong đó nhu cầu tiêu thụ nước sạch trong thời điểm giãn cách giảm 10 - 15%.

Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy nước Thủ Đức, nhà máy có công suất thiết kế 750.000 m3/ngày, hiện đang duy trì hoạt động sản xuất 3 tại chỗ để cung cấp cho thành phố 650.000 m3/ngày đêm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhà máy đã lập và triển khai phương án 3 tại chỗ từ giữa tháng 6/2021 đến nay cho bộ phận phân xưởng điều hành tại nhà máy.

thứ trưởng lê quang hùng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (bên phải) kiểm tra tại Nhà máy nước Thủ Đức.

Theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập thành phố, hiện thành phố có 1.200 điểm thoát nước ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, để tăng cường, thành phố đã lắp đặt thêm 26 tổ máy bơm chống ngập, đã góp phần giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập do mưa lớn và 4 tuyến ngập do triều.

Sau khi kiểm tra tại các trạm bơm chống ngập, Đoàn lưu ý Trung tâm Chống ngập cần có phương án ứng cứu khi xảy ra ngập lụt.

Về vấn đề thu gom và xử lý rác thải, hiện TP.HCM thải ra 8 - 10 ngàn tấn rác/ngày. Trong đó, rác thải y tế 120 tấn/ngày (tăng hơn 5 lần so với thời điểm trước giãn cách).

Theo lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, từ ngày dịch bệnh tăng mạnh, người lao động tại công ty cũng như các công ty trong lĩnh vực môi trường phải căng mình làm việc. Gần 2.000 công nhân của công ty vẫn ngày đêm toả vào các con hẻm nhỏ để thu gom rác thải mặc dù đang trong thời gian giãn cách.

Đoàn công tác cũng có buổi làm việc với Sở Xây dựng TP.HCM. Theo báo cáo, hiện TP.HCM có 17 bệnh viện dã chiến và 3 bệnh viện có chức năng điều trị cấp độ 3, đáp ứng khoảng 71.000 giường bệnh. Trong số này có 5 khu hồi sức cấp cứu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai 4 bệnh viện hồi sức cấp cứu với khoảng 1.750 giường bệnh.

Để làm tốt các vấn đề quản lý chuyên ngành, đặc biệt tại thời điểm hiện nay, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị Sở Xây dựng cần đảm bảo triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến còn dang dở, các trạm cung cấp oxy cho các bệnh viện dã chiến.

Trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, Thứ trưởng cũng lưu ý, việc duy trì đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích hạ tầng kỹ thuật cho người dân.

Thứ trưởng yêu cầu Sở Xây dựng cần có cơ chế tháo gỡ cho đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chống dịch theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, Thứ trưởng ghi nhận và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sớm giải quyết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top