Aa

Bộ Xây dựng: Sẽ nhân rộng mô hình nhà chống lũ

Thứ Ba, 03/11/2020 - 13:35

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trong chuyến công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung từ ngày 1 - 3/11/2020.

Cuối tháng 10/2020, do ảnh hưởng mưa bão khiến các vùng trũng thấp, các khu đô thị ở Quảng Bình, đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hóa và TP. Đồng Hới bị ngập lụt sâu trên diện rộng.

Nước lụt tràn về, nhiều tài sản, lương thực bị ngâm trong nước không sử dụng được; các ngôi nhà nước lên quá cao, người dân phải phá ngói, tháo tôn để lên trên nóc nhà chờ cứu hộ, cứu trợ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân Quảng Bình đã được an toàn trên các công trình nhà tránh lũ.

Mô hình nhà chống lũ của người dân Quảng Bình

Chị Bùi Thị Toan - xóm 3, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho biết: Chị đã tự xây căn nhà chống lũ vào năm ngoái. Nhờ có căn nhà này nên đợt lũ vừa qua, dù nước lên to, sóng lớn nhưng chị vẫn được đảm bảo an toàn và giữ được tài sản trong nhà.

Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ chia sẻ: Trận lũ lịch sử tại Quảng Bình xảy ra vào tháng 10 vừa qua là lớn nhất từ trước đến nay. Mô hình nhà vượt lũ tuy mang lại hiệu quả nhưng chỉ phục vụ cho một số cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, đối với huyện Lệ Thuỷ, có nhiều vùng xung yếu, dễ ngập lụt rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng với quy mô lớn, sức chứa nhiều người thì việc chạy lũ sẽ đảm bảo an toàn hơn, di chuyển nhanh và thuận tiện hơn.

"Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền Trung ương, Bộ ngành quan tâm hỗ trợ bà con ở vùng lũ xung yếu, đảm bảo cuộc sống trong mùa mưa lũ", ông Sơn bày tỏ.

Chị Bùi Thị Toan chia sẻ về tác dụng của nhà chống lũ với Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn

Chia sẻ về hiệu quả của chương trình nhà chống lũ, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình, cơ bản các căn nhà chống lũ đã phát huy tác dụng.

Chương trình này hỗ trợ các hộ dân nghèo thuộc 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nhằm xây dựng những ngôi nhà đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, bão lụt.

Chương trình có mức hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ, cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ trong vòng 10 năm để họ cùng huy động nguồn lực của gia đình, dòng họ xây cất được gian chòi có sàn bê tông cốt thép, đảm bảo 3 cứng, diện tích tối thiểu 10m2 và sàn cao hơn mức lụt thường xuyên ở địa phương là 1,5m.

Qua kiểm tra ở địa phương cho thấy nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà cả 10 năm vừa qua.

Mô hình nhà chống lũ (Nguồn: Bộ Xây dựng)

"Hiện nay, chương trình đã thực hiện hơn 19,2 nghìn căn hộ/21,5 nghìn hộ dân có nhu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ, bão lụt theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg, từ đó đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước để xây những ngôi nhà đảm bảo an toàn, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định”, ông Hưng khẳng định.

Được biết, trên thế giới nhà chống lũ đã mang lại hiệu quả thực sự cho người dân vùng lũ. Cụ thể, tại Thái Lan và New Orleans - Mỹ áp dụng phương án nâng cao nền nhà chống lũ. Các ngôi nhà có thể được xây trên những chiếc cọc gỗ hoặc bê tông, xây trên đồi cao hoặc trên những bệ đá nền chắc chắn có khả năng chống lũ, không bị hư hại khi ngập nước. Tại Đức áp dụng phương án Chống lụt khô cho phép lụt tràn vào đến nhà nhưng bị ngăn ngoài cửa.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở phòng tránh bão, lụt điển hình, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu.

Các mẫu thiết kế phải đảm bảo các tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng quy định, đảm bảo phòng tránh được bão, lụt và có chiều cao hợp lý để có thể sử dụng được cả diện tích bên dưới sàn vượt mức ngập lụt trong điều kiện bình thường, tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn.

Ngoài thiết kế mẫu, các địa phương phải có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cải tạo, nâng tầng làm sàn nhà phòng tránh bão, lụt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top