Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 ngày 16/6, Tiểu nhóm Công tác Đất đai chất vấn Chính phủ Việt Nam về việc hoãn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ hay còn gọi là sổ đỏ) cho người nước ngoài.
Đại diện Tiểu nhóm Công tác Đất đai cho rằng, các văn bản pháp luật đã được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản, gồm Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014 (cả 2 luật đều có hiệu lực từ 1/7/2015).
Các luật này đã giúp lĩnh vực bất động sản có được nhiều khoản đầu tư hơn thông qua việc giảm bớt các rào cản về đầu tư và thực sự mở rộng khả năng tiếp cận bất động sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Tiểu nhóm Công tác Đất đai cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đã trì hoãn thực hiện các bước thi hành, dẫn đến chưa cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam.
Theo điều 75 Nghị định 99/2015, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phải gửi văn bản thông báo cụ thể các khu vực cần đảm bảo an ninh và quốc phòng tại từng địa phương cho UBND cấp tỉnh. Sau đó, UBND cấp tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng bạn hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép đối tượng nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Tiểu nhóm này cho rằng Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa ban hành Danh mục dự án không cho phép người nước ngoài sở hữu, và hỏi lý do trì hoãn công bố danh mục này.
“Việc trì hoãn đã gây ra sự lúng túng cho người mua cũng như chủ đầu tư trong việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam”, đại diện tiểu ban nói.
Tiểu nhóm đề xuất ban hành Danh mục dự án không cho phép người nước ngoài sở hữu “trong thời gian sớm nhất “ để đối tượng nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam có được giấy CNQSDĐ đứng tên mình.
Phản hồi về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định: “Việt Nam không hoãn cấp giấy CNQSDĐ cho người nước ngoài”, mà chỉ là do chậm trễ.
Thực hiện Nghị định 99/2015, Bộ Quốc phòng tháng 10/2016 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quy định rõ các khu vực dự án không cho phép người nước ngoài sở hữu và hướng dẫn để các UBND xác định rõ những khu vực này.
Tháng 4/2017, Bộ Công an đã gửi văn bản cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hướng dẫn cụ thể các khu vực, các dự án mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được quyền sở hữu theo Luật Nhà ở.
Tiếp theo hai Bộ trên, tháng 5/2017, Bộ Xây dựng cũng gửi văn bản cho các tỉnh thành, yêu cầu các sở xây dựng phối hợp với bộ chỉ huy quân sự và công an địa phương để xác định rõ các khu vực, các dự án mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được quyền sở hữu.
“Với các văn bản của các bộ có chức năng, chắc chắn trong thời gian tới các địa phương sẽ phải tập trung triển khai những nội dung này”, đại diện Bộ Xây dựng cho biết.
Trong phần phản hồi các kiến nghị của Tiểu nhóm Công tác Đất đai, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết về cơ bản, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 so với Luật 2006 có nhiều quy định, tiến bộ mới và thông thoáng, mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức và cá nhân nước ngoài định cư và làm việc tại Việt Nam.
Từ năm 2005 đến 2015, Việt Nam đã cho 1.100 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và con số này trong năm 2014 là 600.
Đối với kiến nghị về bãi bỏ, hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bất động sản tại Việt Nam, Bộ Xây dựng cho rằng theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Việt Nam chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam và chưa cho phép mua các bất động sản khác không phải là nhà.