Aa

"Bội thực" chung cư cao cấp, "ông lớn" sắp lao vào cuộc đua khốc liệt giành khách hàng

Thứ Sáu, 14/10/2016 - 06:43

Nhiều chuyên gia cho rằng, lượng căn hộ cao cấp trên địa bàn Hà Nội đang quá dư thừa, hiện phải mất tới vài năm nữa mới có thể tiêu thụ được hết, trong khi đó nguồn cung căn hộ giá thấp rất ít, các doanh nghiệp sẽ phải bắt đầu một cuộc chạy đua khốc liệt nhằm “giành giật” khách hàng trong tương lai.

Nguy cơ đi lại “vết xe đổ”

Để thị trường phát triển bền vững, cần phải cân đối cung cầu, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và phù hợp với túi tiền, nhu cầu ở thực của người dân. Nhất là những người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.

dự án Rivera Park tại 69 Vũ Trọng Phụng, dự án này có mức giá khá cao, tổng số căn hộ được nâng từ 400 căn lên 666 căn

Dự án Rivera Park tại 69 Vũ Trọng Phụng, tổng số căn hộ được nâng từ 400 căn lên 666 căn

Thế nhưng, trong 8 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS lại chứng kiến hàng loạt những "cuộc đua" xây dựng dự án chung cư cao cấp, hàng nghìn căn hộ mỏi mòn "tìm" khách, trong khi nguồn cung hiện có phải vài năm nữa mới tiêu thụ được hết.

Thị trường địa ốc mới đây xuất hiện hàng loạt những thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án mà bên mua chủ yếu là các nhà đầu tư không thuộc lĩnh vực BĐS, kể đến như Tập đoàn BRG mua lại 70% cổ phần tại Dự án Sedona Suites Hanoi (Hồ Tây) từ Keppel Land Việt Nam với giá 31,5 triệu USD; ThaiGroup mua lại khu đất vàng 3,5 ha Khách sạn Kim Liên (quận Đống Đa), Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) thâu tóm khu đất số 231 - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)...

Theo dự đoán của các chuyên gia bất động sản, nguy cơ thị trường BĐS sẽ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu vẫn phát triển tự phát và không được định hướng dài hạn.

Theo đó, bài học 2010 - 2011 khủng hoảng BĐS, cả nước có gần 4.000 dự án (nhưng có rất ít dự án nhà ở xã hội và thu nhập thấp). Thực trạng này đã dẫn tới tồn đọng căn hộ, tiền không quay được về ngân hàng, sản phẩm vật tư không đưa vào sử dụng, các khu đô thị bỏ hoang, lãng phí nguồn lực xã hội.

“Bội thực” nguồn cung

Theo ghi nhận, quận Thanh Xuân được xem là nơi có tốc độ phát triển hạ tầng nhanh nhất Hà Nội, trong đó phải kể đến các tuyến đường huyết mạch Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Cùng với đó, các dự án chung cư cao cấp mọc khắp nơi ở quận Thanh Xuân, đặc biệt trên địa bàn phường Nhân Chính.

Tại quận Thanh Xuân hiện nay, hàng loạt dự án nhà chung cư vẫn đang được triển khai và chuẩn bị mở bán ra ngoài thị trường. Không ít dự án tọa lạc tại những vị trí được xem là “điểm đen” về ùn tắc giao thông vẫn “tung hô” là dự án cao cấp và đưa ra mức giá chào bán ở mức cao so với thị trường.

Đơn cử như dự án Golden Palm, nằm trên tuyến Lê Văn Lương, dù tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng, thế nhưng với lượng dự án chung cư cao tầng mọc dày đặc dọc hai bên tuyến đường này, tắc đường vẫn là nỗi ám ảnh hàng đầu của người dân. Dù vậy, theo tham khảo, dự án được gắn mác là “ốc đảo xanh”, chất lượng sống cao cấp, giá bán ở mức 35 triệu đồng/m2, khá cao so với thị trường.

Một dự án khác là Rivera Park tại 69 Vũ Trọng Phụng cũng đang bị vây quanh bởi hàng loạt dự án chung cư cao tầng, trường học, mật độ dân cư cao, trong khi đó, tuyến đường Vũ Trọng Phụng lại đang đối mặt với ùn tắc giao thông.

Dự án này có mức giá khá cao, tổng số căn hộ được nâng từ 400 căn lên 666 căn. Điều khiến không ít người lo ngại là, dự án đã từng thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư làm ăn gặp khó khăn, thua lỗ, không đủ điều kiện ký quỹ trên thị trường chứng khoán.

“Lượng căn hộ quá nhiều cộng với hàng trăm căn hộ của các dự án khác trong khu vực mọc lên sẽ khiến mật độ dân ở đây tăng cao, trong khi đó, tuyến đường Vũ Trọng Phụng chỉ rộng chưa đầy 4m, chỉ cần 2 tô tô đi ngược chiều nhau là tắc cứng” - anh Tuấn – một khách tham khảo dự án lo ngại.

Lượng căn hộ chung cư quá nhiều khiến tuyến đường Vũ Trọng Phụng và nhiều tuyến đường ở quận Thanh Xuân thường xuyên ùn tắc

Lượng căn hộ chung cư quá nhiều khiến tuyến đường Vũ Trọng Phụng và nhiều tuyến đường ở quận Thanh Xuân thường xuyên ùn tắc

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia BĐS, nếu cứ trông chờ vào nguồn cầu từ người nước ngoài mua nhà và đón đầu cơ hội gia nhập TPP mà đua nhau xây dựng nhà cao cấp thì nguy cơ dẫn đến “bội thực” là điều đương nhiên.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lượng căn hộ cao cấp trên địa bàn Hà Nội hiện có phải mất tới vài năm nữa mới có thể tiêu thụ được hết, trong khi đó nguồn cung căn hộ giá thấp rất ít, nếu bây giờ tiếp tục xây dựng dự án căn hộ cao cấp thì nguy cơ “bội cung” là có cơ sở.  Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp sẽ phải bắt đầu một cuộc chạy đua khốc liệt nhằm “giành giật” khách hàng trong tương lai .

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top