Đã luôn nghĩ bốn mùa xuân hạ thu đông miền Bắc là rõ rệt, nên cái mặc định mùa hè sẽ nắng nóng hoặc mưa giông xối xả như một lẽ đương nhiên. Ấy vậy mà bỗng đâu có những ngày hè, sau một trận mưa lại hiu hiu gió lạnh. Cái lạnh rấm rứt, gai gai khiến ta chẳng thế nào mà không nhớ gió mùa.
Sáng sớm đi chợ, những bà những chị bán hàng mặc áo dài tay kín mít, xuýt xoa hoặc ca thán về sự đỏng đảnh của thời tiết. Hàng trà, giải khát đã kịp đổi từ âu đá lạnh to sang âu đá lạnh nhỏ. Từng chén trà trong mỗi lòng tay âm ấm, hắt lên làn khói mỏng, không còn điệu bộ lắc tay trà đá lanh canh. Một cơn gió lạnh ập đến giữa mùa hè đã thay đổi mọi không khí của từng không gian, bối cảnh tưởng chừng quen thuộc. “Cô ơi! Mua cà bát đi, đổi gió thế này om rõ hợp”; “Cá thu nướng nay thơm ngon lắm, bà lấy đôi khúc về sốt cà chua nhé?”; “Mát trời, nhà cháu đào được vài củ măng trái vụ, bác làm con vịt về xáo không?”… Chợ phố cứ như chợ quê. Người ở đâu đâu, mãi mạn Sơn Tây, Hòa Bình… tất tưởi mưu sinh. Gà, vịt, rau, dưa, rượu, chè… đủ cả.
Ngày trời đổi gió, ngang qua Nhà số 4, dãy nhà nguyên vẹn dấu vết cổ xưa ở đầu phố Lý Nam Đế, nhìn xuyên qua khung cửa sắt gắn kết bức tường rêu, bần thần ngắm hoa đại trắng ngần rụng rơi, trải lớp thảm tinh khôi trên nền sân gạch. Ngước trông lên, càng ngạc nhiên gấp bội khi thấy hai thân cây già nua, xanh rêu, nhiều khúc đoạn đã mục ruỗng vẫn đơm tua tủa từng búp cành khỏe khoắn, mạnh mẽ, từng chiếc lá cứng cáp non xanh như những bàn tay thẳng hướng lên trời. Mầm xanh nhú sau cơn mưa, lá mới mở căng đến mọi phiến gân, và hoa thì vẫn nở. Sức sống tràn trề mà vẫn cứ ăn nhập với niềm phong rêu, sâu thẳm. Giữa mùa hè, đúng vào ngày đổi gió, cả gia đình sóc nâu từ đâu kéo đến, rượt đuổi trên nóc nhà, chuyền từ cành nọ sang cành kia, có lúc bạo dạn leo xuống những cành cây đang lòa xòa gần mặt đất, gần mặt người mà không hề sợ sệt như ngày thường.
Tên thân cây già nua, xanh rêu, nhiều khúc đoạn đã mục ruỗng vẫn đơm tua tủa từng búp cành khỏe khoắn, mạnh mẽ, từng chiếc lá cứng cáp non xanh như những bàn tay thẳng hướng lên trời. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)
Bỗng đâu gió lạnh liệu thì có bứt rứt không? Làm sao mà không được. Ai có chút tuổi rồi, tóc trên đầu điểm bạc thì đầu óc cũng liêng biêng, xương cốt như có sâu có mọt đang rù rì cắn rứt. Rồi thì giấc ngủ đêm cũng chập chờn mộng mị. Gió lạnh ngoài kia như len lỏi vào tận sâu từng tế bào, từng chân tóc. Trằn trọc mãi, lại nhớ nhung những khúc nhạc, ca từ của Trần Quý về gió lạnh đêm hè. Giai điệu da diết, trầm buồn khe khẽ chạm vào lòng người bằng cảm xúc thật thà mà tha thiết nhất: “Còn nhớ ngày xưa, em thích hoa màu tím. Với mắt buồn chờ đêm”. Thi sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ cũng từng cảm nhận thật tinh tế và rộng mở về những ngày hè bỗng đâu gió lạnh: “Phố phường ngỡ rộng hơn/ Gió lùa khung cửa rét/ Như một chiều đông trước/ Em về mưa ướt vai”; “Vòm lá ướt sớm nay/ Sau mưa càng óng mượt/ Người đi xe tíu tít/ Phải em đang mong chờ?; “Thương em, thương chẳng hết/ Năm tháng đã qua nhanh; Em ở giữa lòng anh/ Một ngày hè trở rét...”. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh lại có cái nhìn thật mong manh mà sâu thẳm: “Chỉ vui là những gánh hàng hoa/ Rét nóng mặc thế nào hoa cũng nở/ Hoa mỉm cười giễu người qua phố/ Đang giấu trong áo ấm niềm lo”.
Luôn có một Hà Nội thật khác khi gió lạnh ùa về. Ai tin được những cơn gió cũng đủ tạo nên sự khác thường đến thế. Dạo bước ven Hồ Tây, gió rạo rực, hun hút từng cơn đẩy những đợt sóng cuồng dâng mạnh mẽ. Lớp lớp sóng dồn đuổi nhau, vây bủa nhau, xâu chuỗi mọi cuộc hành trình bất tận cùng bóng trời, mây nước. Hồ Gươm có phần trầm lặng, từng nhóm cụ già mặc thêm áo ấm ngồi bình thản trên ghế đá. Liễu ven hồ thêm phần quyến rũ, lả lơi. Các bà hàng xôi sáng, xôi chè, bánh rán mật… che chắn thật kỹ gánh hàng, mặc thêm cả áo mưa phòng thời tiết xấu. Hồ Trúc Bạch vắng bóng người, tuyệt nhiên chẳng có gia đình, cặp đôi nào bơi thuyền đạp vịt tha thẩn lướt sóng như mọi ngày. Từng bụi cây thủy trúc ngát xanh, dập dềnh trên sóng cũng như thu mình hơn. Văng vẳng trong đó là tiếng cuốc kêu thắc thỏm. Hồ giữa phố mà như ao chuôm chốn quê nhà. Cũng cuốc kêu, chim chóc, ễnh ương, ếch nhái… Mọi thanh âm ngày thường trốn đâu mất, vào đúng ngày trời đổi gió thì cùng xướng lên những khúc hợp ca.
Từ phố phường, lại thơ thẩn, bâng khuâng mường tượng, nhớ nhung về khoảng trời thơ ấu. Vào những ngày hè hiếm hoi gió lạnh, người trong nhà thường làm gì. Bà tôi vẫn chậm rãi nhai trầu. Bà không ở ngoài hiên mà ngồi bên ô cửa sổ mở he hé ra khu vườn xanh tươi. Việc mùa màng đồng áng đã xong, mẹ tôi lụi cụi dưới bếp lấy ra bột nếp, mật mía định nấu một nồi bánh trôi. Vừa nhào bột vừa bảo con xuống góc vườn đào lên một nhánh gừng nhỏ để món bánh dân dã dậy hương. Bố tôi, vào những ngày như thế, ông thường ra bờ sông, bắc loa tay gọi bạn. Đồng đội từ thời nhập ngũ với ông đang ngồi trên chiếc thuyền con con gõ mái chèo đuổi cá vào lưới. Chiếc thuyền chậm rãi từ khoảng xa xa trôi dần về phía bố. Ông gọi đồng đội lên uống chung ấm trà ngon, dành dụm mãi đến ngày gió lạnh mới mang ra uống. Lúc lên bờ, thể nào bác ấy cũng nhặt nhạnh trong khoang thuyền những con cá tươi đang quẫy nước bỏ vào rổ đi thẳng vào căn bếp nhà tôi. Chúng tôi xúm quanh ngắm nghía, bàn luận sôi nổi. Trời trở, mặt sông nhiều nhất loại cá thân tròn như chiếc đũa, dài chừng một gang tay, nâu đỏ màu rễ cau. Chỉ cần mẹ tôi ngó vào, sẽ biết ngay nên nấu món gì. Thường thì với loại cái ấy, trẻ con trong nhà sẽ tiếp tục được sai khiến đi xuống góc vườn, chỗ vừa đào lên nhánh gừng, hái nhiều lá gừng, lá nghệ, chui cả vào bụi găng hái búp non, lá bánh tẻ để mẹ lót đáy nồi và phủ lên trên niêu cá kho. Bạn của bố tôi nhiều lần gọi tên chính xác của loài cá ấy, nhưng chúng tôi luôn quên, bèn gọi là cá rễ cau. Trời đổi gió mà ăn bát cơm trắng với cá rễ cau kho cạn trong nước dưa chua và lá gia vị trong vườn thì thơm ngon khó cưỡng. Ăn dè thì cũng chỉ đến chiều niêu cá sẽ hết veo, cơm tiếp tục được trộn trong niêu, trẻ con chia nhau ăn sạch bách.
Bỗng đâu gió lạnh giữa mùa hè. Bỗng đâu đang bộn bề, bận rộn, vẫn cứ thao thiết, nhớ nhung. Và rồi chợt nhận ra, đời sống cần những khoảng chậm rãi, kéo giãn ra như thế, để chút thong dong nghĩ ngợi sẽ xoa dịu lòng mình. Căn bếp cần ấm hơn một chút. Con người nói năng, đi lại thêm chút khoan thai. Ký ức tưởng đã ngủ quên một sớm mai này bỗng nhiên thức giấc. Lại thấy yêu thêm, thương thêm và bình yên rộng mở…/.