Aa

Hương mùa hạ

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Tư, 27/04/2022 - 06:06

Tôi thường mang theo nỗi nhớ về những mùa hạ ký ức gửi vào lưng chừng ban công, bên cạnh từng mầm cây xíu xiu vút lên đầy mơ mộng. Phông nền cho tất cả niềm vui, nỗi buồn là bức tường loang lổ quanh năm...

Mới đầu hạ, hồ sen vùng ngoại ô hãy còn nguyên vẹn một sắc màu non xanh như lòng trẻ dại cứ thoảng lên hương thơm rất đỗi mơ hồ. Một thứ hương thơm thanh khiết hoang vu tỏa ra từ những chiếc lá còn cuộn lại như phong thư sáng sáng mở bung khi ánh mặt trời loang trên hồ lấp lánh; hương thơm của từng búp sen mới nhú màu phớt hồng pha lẫn sắc xanh dè dặt mà mê man như cô gái quê vừa chớm tuổi dậy thì. Chẳng biết lòng mình có nhạy cảm quá hay không mà nhận ra hương thơm hồ sen đầu hạ mới thật lạ lùng. Cứ chập chờn như sương như mây, trong veo và mỏng mảnh.

Ngày xưa, trong câu chuyện mỗi buổi sáng mùa hạ của ông tôi thấp thoáng bóng dáng những linh hồn trinh nguyên trốn biệt dưới lá sen, mỗi khi người hái sen buông tay khỏa nước lại thảng thốt giật mình, chìm hút. Thỉnh thoảng bắt gặp long lanh dưới đáy hồ. Ông tôi có thể ngồi với mấy người bạn già suốt buổi kể lể rất nhiều câu chuyện ly kỳ hư hư thực thực về bí mật hồ sen lớn bên làng, về thú vui thưởng thức trà sen tao nhã, đòi hỏi sự cầu kỳ và tĩnh tâm… Sao thấy luyến tiếc cho ngày ấy mình còn quá nhỏ chỉ ham đánh chắt chơi chuyền mà không mấy để tâm tới lời ông kể. Giờ đây, hồ sen quê tôi không còn là chung của cả làng. Hàng năm, người ta đua nhau đấu thầu nuôi cá. Sen dần dần tàn lụi. Tháng ngày ấu thơ ngụp lặn thỏa thích dưới hồ mỗi trưa nắng gắt chỉ còn trong trí nhớ, ông tôi cũng ra đi mang theo câu chuyện dở dang như một bản nhạc chiều ngân nga, buồn rấm rứt.

Hương thơm của từng búp sen mới nhú màu phớt hồng pha lẫn sắc xanh dè dặt mà mê man như cô gái quê vừa chớm tuổi dậy thì. (Ảnh minh họa)

Trong bầu ký ức thoáng một chiều cuối đông, ở phòng có đứa bạn đi làm thêm về gặp mưa sốt hầm hập trong cơn mê sảng cứ đòi ăn món cháo giải nhiệt nấu bằng lá sen tươi cùng với gạo tẻ và bí xanh thái sợi. Khi cháo chín thêm chút đường và nhúm cốm xanh ngọc như vầng trăng khuyết nhỏ xinh rắc lên trên trông thật hấp dẫn. Lũ sinh viên nhìn nhau mà ngậm ngùi. Chưa đến mùa hạ biết tìm đâu ra lá sen với cốm bây giờ. Hương sen đầu hạ trong veo thoang thoảng như một nỗi nghi ngờ, báo hiệu cho mỗi chúng ta nhất là những người sống xa quê mùi hương cốm mới. Để rồi hễ cứ thấy thấp thoáng bóng dáng người quê với chiếc đòn gánh cong vút lại xúm xít rủ nhau mua bằng được những gói lá sen xanh mươn mướt nhỏ xinh bao bọc những hạt cốm làng Vòng dẻo thơm. Cùng ngồi lại bên nhau dốc bầu ký ức, cùng lục tìm trong ánh nắng giòn tan một hương thơm quen thuộc khi nỗi nhớ quê trào ra khóe mắt từ khi nào không hay. 

Quê tôi thăm thẳm núi đồi, hương mùa hạ cứ trải dài tha thiết. Mùa hoa nọ nối mùa hoa kia. Mùi hương nọ tiếp mùi hương kia. Nhớ các cô tôi mặc áo màu tím hoa cà, trong nắng chiều vàng hươm rọi vào tấm lưng lom khom ngoài đồng ruộng. Nhớ mỗi lần bác gái tôi lấy chồng bên kia sông về thăm bà, tôi nhận ra từ xa với chiếc nón mới loa lóa trắng, bước chân khoan thai lướt êm ru trên cỏ. Lần lượt từng mùa hè trôi đi, từng sắc hoa và hương thơm còn đọng trong ngăn hồi ức đẹp. Những xúc cảm từ ngày trẻ thơ vẫn luôn đánh thức tôi với từng sắc hoa đồng nội.

Những gói lá sen xanh mươn mướt nhỏ xinh bao bọc những hạt cốm làng Vòng dẻo thơm. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Hương mùa hạ đôi khi cũng đỏng đảnh, oi ả ùa đến rồi kéo dài lê thê với cái nắng chang chang, mồ hôi rịn đẫm lưng áo, đôi khi mưa rào bất chợt mang theo cả sấm chớp bão bùng đủ làm trẻ con lẫn người lớn giật mình. Tôi thì luôn nhớ những mùa kem thơ ấu vào khoảnh khắc ấy, khi chưa đến bảy giờ sáng, ngoài ban công đã lung linh từng chùm hoa nắng rọi vào từng tán cây, kẽ lá. Lại hay nghĩ miên man, ở thành phố này, có lẽ chẳng đứa trẻ con nào sáng bừng con mắt, dỏng mãi tai lên, rồi vắt chân lên cổ chạy theo hồi còi tựa như tiếng kem mút từ tay mấy bác bán kem. Quanh năm suốt tháng, họ đạp chiếc xe cọc cạch rỉ sét với thùng kem bằng gỗ làm lóe lên trong mắt lũ trẻ quê mùa nỗi thèm thuồng đẹp như cổ tích.  

Ở cái xóm nhỏ của tôi, có thể điểm mặt được từng người bán kem, hình như từ ngày ấy, nghề mưu sinh chật vật cũng đã được phân chia địa bàn! Một “ông” chưa già lắm, chạc ngoài năm mươi, nhưng tất cả trẻ con đều gọi là “ông” vì ông hay cáu bẳn, đứa nào chậm chân một chút là ông đạp xe vù đi. Dưới nắng hè bỏng rát, “ông” không bao giờ có đủ kiên nhẫn để đợi chờ. Mấy đứa con nhà giàu, hay đưa tiền chẵn cũng bị ông cáu, dọa lần sau không bán cho nữa. Nhưng bù lại, kem của ông thơm ngon nhất, trên que kem còn có nổi vân gợn sóng trông vừa đẹp, khi ăn kem cũng lâu chảy hơn. Một bác thương binh, cụt tay phải, tay trái bác cầm chiếc còi bóp bóp, bác hiền lành, dễ tính, mồ hôi nhễ nhại vẫn cười khoái chí. Cuối cùng là anh thanh niên đang học cấp ba, thỉnh thoảng mới bán, chúng tôi không có gì ấn tượng, đơn giản là khi ấy chỉ thích ai bán thường xuyên, một ngày ba bốn lượt càng tốt. Bố mẹ chỉ cho mua một lần, mỗi lần một que kem, lần sau cứ việc dỏng tai lên nghe cho bõ thèm.

Ngày lên ba, chị em tôi ở với bà ngoại để bố mẹ đi làm, cứ nghe tiếng còi kem là bà tất tưởi cầm cái bát sắt chạy ra ngõ, loáng cái bà đã đem bát kem vào nhà, hơi lạnh bốc lên mát rượi. Bà không ăn, chỉ mủm mỉm cười, tay gỡ mớ tóc rối bù như tổ quạ cho cháu. Chị em tôi ăn thỏa thích. Ăn đến ê răng. Ăn xong lại gối đầu vào lòng bà thiu thiu ngủ. Vài năm sau, bố mẹ đón chị em tôi về nhà, hôm nào muốn ăn kem thì chị phải kiếm đầy mấy rổ rau lợn, nấu cơm canh trước lúc bố mẹ về; em phải quét nhà sân cổng ngõ tinh tươm, lau bàn ghế gọn gàng; đó là chưa kể tới chuyện đi học mà ăn điểm kém thì đừng vòi vĩnh kem làm gì. Mỗi mùa kem qua đi, mùa sau lại thấy que kem nhỏ hơn, tan nhanh hơn. Mẹ bảo đấy là do chúng tôi đã lớn, còn que kem vẫn thế.

Mỗi mùa kem qua đi, mùa sau lại thấy que kem nhỏ hơn, tan nhanh hơn. (Ảnh minh họa)

Có lần tôi bị điểm kém, mẹ chỉ cho tiền mua một que kem, chị em tôi cầm hai trăm đồng ra năn nỉ anh thanh niên bán cho hai que, anh lấy ra hai que trong suốt, loại kem chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Anh bảo đó là kem đá. Chỉ làm dăm que để anh ăn khi khát nước. Hai chị em vừa mút kem vừa nhìn nhau, kem chẳng ngọt ngào gì, chỉ thấy vị mát tỏa lan dần trong miệng. Mắt chúng tôi cay xè, nhìn mãi ra cánh đồng vàng hươm, vượt qua sẽ tới nhà bà ngoại, bỗng nhớ cái bát sắt đựng kem, nhớ nụ cười mủm mỉm và bàn tay hiền hòa gỡ tóc rối của bà.

Lần đầu tiên được ra Hà Nội, khi ấy tôi đã lên mười. Nửa đêm nhớ nhà nằm khóc thút thít. Bác tôi dỗ dành: Nín đi, ngày mai bác cho đi ăn kem Tràng Tiền. Lòng dạ chợt sáng bừng, nằm im thin thít. Bác đi làm về, tạt qua nhà chở tôi trên chiếc xe đạp đi băng băng giữa phố phường. Bác mang theo cặp lồng bảo để phần về cho các anh nữa. Bác nắm chặt tay tôi đứng xếp hàng. Không có tiếng còi, không có người bán kem ngồi trên xe đạp, chỉ có mấy cô bán hàng trẻ trung. Tất nhiên, tôi được ăn thỏa thích, kem sữa dừa, đậu xanh, sô cô la… những loại kem ở quê không có. Nhưng chẳng hiểu sao tôi không thích những ánh mắt không lời và nụ cười kín kẽ của mấy cô bán hàng. Tôi chỉ muốn nghe tiếng còi kem, muốn được vắt chân lên cổ mà chạy theo, muốn cầm trên tay hai trăm lẻ mà hân hoan, tự hào rằng mình xứng đáng có được món quà từ mùa kem thơ ấu. 

Tôi thường mang theo nỗi nhớ về những mùa hạ ký ức gửi vào lưng chừng ban công bên cạnh từng mầm cây xíu xiu vút lên đầy mơ mộng. Phông nền cho tất cả niềm vui, nỗi buồn là bức tường loang lổ quanh năm hết xanh lại ngả sang vàng. Cánh cửa nâu xỉn, màu sơn tường xanh lạnh và những chậu cây nhỏ đặt ngay ngắn dọc hành lang. Đêm đêm, trong ánh điện mờ mờ của bóng đèn xưa cũ, hàng xóm vẫn có thể nhận ra nhau trong từng tiếng bước chân. Mọi thứ dịu dàng, yên ắng đến mức, dường như bước chân vội vàng cũng sẽ làm khuấy đảo tất cả sự quen thuộc của những mặt người, giọng nói, nếp sống. Tôi đã gói ghém hương mùa hè, hương ký ức gieo vào lòng phố thị. Như những người hàng xóm sau buổi tan tầm lại miệt mài chăm tưới chậu hoa, cây cảnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top