Aa

“Bóng ma” nợ xấu vẫn “ám quẻ” lợi nhuận ngân hàng

Chủ Nhật, 04/11/2018 - 06:00

Mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực kéo giảm nợ xấu bằng nhiều cách, như thu hồi tiền mặt, phát mại tài sản cũng như bán cho VAMC... nhưng xem ra “bóng ma” nợ xấu vẫn “ám quẻ” lợi nhuận các ngân hàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các ngân hàng đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2018 và 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo, hầu hết các ngân hàng đều đạt lợi nhuận cao hơn cùng kỳ 2017. Tuy nhiên đi cùng với lợi nhuận gia tăng thì nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng mạnh. 

Cụ thể, BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm (tức tăng thêm gần 3 nghìn tỷ đồng). Trong đó, nợ nhóm 5 tức là nợ có khả năng mất vốn chiếm trên 7.000 tỷ đồng. Xét về con số tương đối thì tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Tại Vietcombank, đến cuối quý III, nợ xấu của ngân hàng này tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, lên hơn 7.400 tỷ đồng, chiếm 1,18% dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 1,14% hồi đầu năm. Nợ nhóm 5 tăng mạnh hơn 2 lần lên 4.578 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng Vietcombank giảm 3,9% xuống còn 995.111 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15% đạt 616.409 tỷ đồng, trong khi đó huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,2% đạt 773.406 tỷ đồng.

Tại VietinBank, nợ xấu cuối quý II đứng ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng tương đương với 34,6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,14% hồi đầu năm lên 1,36%. Nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn- chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay khi tăng tới 68% lên 8.739 tỷ đồng.

Tại ngân hàng ACB, nợ xấu đến hết tháng 9/2018 cũng tăng 461 tỷ đồng, lên 1.850 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng nhẹ lên 0,79% so với mức 0,71% so với hồi đầu năm.

Nợ nhóm 5 tại ngân hàng này hiện đạt hơn 1.264 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm nay. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu của ACB đang ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng các ngân hàng hiện nay.

Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của OCB là 1.429 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 864 tỷ đồng hồi đầu năm. Theo đó, nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,79% cuối năm 2017 lên 2,66% cuối tháng 9/2018.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018 tổng giá trị các khoản nợ xấu của Sacombank ở mức 8.066 tỷ đồng giảm 22,5% so với cuối năm trước. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu sau 9 tháng giảm từ mức 4,73% tại thời điểm 31/12/2017 xuống 3,23%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hiện tại của Sacombank vẫn lớn hơn mức tối đa theo quy định của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (3%).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế Sacombank đạt hơn 1.314 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kì năm trước và hoàn thành 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 931 tỷ đồng tăng trưởng 20,7%.

Có thể thấy, nỗ lực của Sacombank là từng bước đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm về dưới ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, việc đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về dưới 3% phần nhiều chỉ mang tính hình thức, bởi nợ xấu ngoại bảng của Sacombank vẫn còn rất ngổn ngang.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của Sacombank không thuyết minh rõ về khoản nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tuy nhiên, có thể ước tính lượng nợ xấu này khoảng gần 38.900 tỷ đồng, giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, Sacombank vẫn còn lượng các khoản phải thu và lãi dự thu rất lớn (tiềm ẩn lượng lớn nợ xấu), lên đến 44.597 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9/2018.

Như vậy, tính đến hết tháng 9, BIDV là ngân hàng thương mại nhà nước có nhiều nợ xấu nhất, nhưng VietinBank lại là ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất (trừ Agribank chưa công bố báo cáo tài chính).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top