Aa

Chưa có đáp án cho bài toán nợ xấu, lợi nhuận BIDV giảm tốc?

Chủ Nhật, 28/10/2018 - 06:01

BIDV vừa công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2018 với con số khả quan so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, thực tế ngân hàng này đang phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, trong khi lợi nhuận quý III giảm đáng kể so với quý II.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID) cho biết, tính đến 30/09/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1.268.413 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5% so với đầu năm, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền gửi khách hàng đạt 953.513 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 968.752 tỷ đồng, tăng 11,75%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng phân khúc bán lẻ và SME, dư nợ ngắn hạn, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN.

Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm đạt 32.865 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mảng hoạt động đều đạt kết quả tích cực.

Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 25.616 tỷ đồng, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 2.541 tỷ đồng, tăng trưởng 18,74 %; thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 797 tỷ đồng, tăng 55%; thu từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 682 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 221 tỷ đồng; thu từ hoạt động khác đạt 2.866 tỷ đồng.

BIDV chưa tìm đướng hướng giải bài toán nợ xấu?

BIDV chưa tìm đướng hướng giải bài toán nợ xấu?

Chênh lệch thu chi đạt 21.620 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. BIDV tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại nợ với tổng dự phòng trong 9 tháng là 14.365 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả là lợi nhuận trước thuế tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018. Tuy nhiên, nếu so với lợi nhuận quý trước (2.551 tỷ đồng), BIDV sụt giảm lợi nhuận trong quý III xuống còn 2.217 tỷ đồng.

Theo nguồn tin từ trang CafeF, song song với dự phòng rủi ro tăng cao thì nợ xấu của BIDV cũng đáng chú ý khi tại thời điểm 30/9 ngân hàng có tổng cộng hơn 17.041 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm (tức tăng thêm gần 3 nghìn tỷ đồng). Dẫu vậy xét về tỷ số tương đối thì tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này chỉ chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Còn theo BIDV, trong 3 tháng cuối năm, ngân hàng này sẽ tiếp tục điều hành hoàn thành các mục tiêu kinh doanh năm 2018, tăng trưởng tín dụng gắn chặt với chất lượng và hiệu quả, tăng trưởng huy động vốn, tập trung nguồn lực để triển khai phương án tái cơ cấu gắn với công tác xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020; xúc tiến các công việc liên quan đến triển khai phương án tăng vốn theo lộ trình...

Như vậy, hai câu chuyện lớn của BIDV trong những tháng cuối năm 2018 là giải bài toán nợ xấu và hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn.

Được biết, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong một báo cáo gần đây cho rằng BIDV có thể sẽ bán vốn cho một nhà đầu tư chiến lược từ Hàn Quốc. Áp lực tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II đang ngày càng cấp thiết với BIDV. Kế hoạch của BIDV công bố trong ĐHCĐ năm nay là tăng vốn điều lệ thêm 28%. Trên thực tế, đây vẫn là câu chuyện tiếp diễn của năm 2017, khi hệ số CAR của BIDV chỉ cao hơn một chút so với mức yêu cầu của Thông tư 36 là 9%, là tỷ lệ thấp nhất trong hệ thống ngân hàng.

Do đó, BIDV cần khẩn trương tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí Basel II, và việc này phụ thuộc vào khả năng thực hiện chào bán công khai hoặc riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược/tài chính. Nhiều khả năng BIDV đã chọn một ngân hàng Hàn Quốc làm nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, BIDV cũng đang chạy roadshows để tìm kiếm các nhà đầu tư tài chính tiềm năng. Tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian do yêu cầu của NHNN rằng giá phát hành không thể thấp hơn giá thị trường.

Vào ngày 14/9 vừa qua, BIDV đã có thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 10 năm 2018. VDSC kỳ vọng việc lấy ý kiến này có liên quan đến việc chào bán công khai hoặc riêng lẻ cổ phiếu của BIDV cho các nhà đầu tư chiến lược/tài chính. Việc tăng vốn, nếu thành công, sẽ gỡ bỏ nút thắt hiện tại đối với tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng. Đã hết tháng 10, những thông tin liên quan đến cổ đông chiến lược của BIDV vẫn chưa được hé lộ hoặc chưa có tiến triển khả quan?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top