Bóng người trong bóng nắng
“Người đàn ông phải giống như khu vườn, rộng dài bền bỉ theo năm tháng… vậy mới chạm được vào trái tim người phụ nữ vốn sâu thẳm và đong đầy thương xót. Phụ nữ, gặp tấm lòng không đủ rộng, tất sẽ rơi vào mặc cảm, cô đơn…” - Cha tôi viết rất nắn nót trong bức thư ngày ấy, khi tôi sắp lấy chồng. Ông lo sợ, con gái mình không thể gặp được người tận tâm, bình thản vun xới và chờ đợi hạnh phúc tỏa hương như khu vườn trong ký ức gia đình.
Từ chiến trường trở về, cha tôi khoác trên vai chiếc ba lô bạc phếch, bên trong có bộ quân phục đã bạc màu với tấm chăn gấp phẳng phiu, ướm chừng cho ngày cưới. Đám con gái làng năm nào mới 17, 18 tuổi đêm đêm ra ngồi chật kín bến sông giờ còn mình mẹ. Bao năm đằng đẵng không thư từ, điện báo mà mẹ tôi vẫn đợi chờ bởi một niềm tin vô hình in đáy nước.
Cha hỏi mẹ về đám con gái làng năm ấy, mẹ chỉ về bên kia sông sương gió mịt mùng. Người trong vùng vẫn bảo, con gái quê tôi đẹp là nhờ bến sông này, nhờ vào thứ mạch nguồn thẳm sâu, bí ẩn. Bến nước làng tôi đã có từ lâu lắm, bậc lên xuống được lát bằng những phiến đá xanh to bằng nửa chiếc giường, gần với mặt nước là những tảng đá ong vàng ruộm lỗ chỗ mòn vẹt, cứ tưởng theo tháng năm sẽ bị sóng ăn mòn nhưng hóa ra còn mãi.
Nhà tôi chênh vênh sườn núi. Một bên là những trảng hoa sim hoang hoải tím, một bên là nghĩa địa vắng hiu. Người trong làng bảo nhau, chỉ có những kẻ tứ cố vô thân mới phải ra nơi ấy dựng lều, vỡ đất. Cha tôi chẳng đến nỗi ấy, chỉ bởi quá nghèo. Ông đi chống bè gỗ thuê ngược lên ngàn rồi lại trở về xuôi. Mỗi chuyến ngược xuôi đằng đẵng cả tháng trời. Mẹ có mang tôi, sắp tới ngày sinh vẫn ì ạch quẩy quang gánh lên dãy núi phía xa kiếm củi chất đầy gian bếp lụp xụp đợi mùa đông sưởi ấm.
Vài năm sau, mỗi buổi hoàng hôn quạnh quẽ, mẹ lại dắt tôi ra tận bến sông. Trên phiến đá xanh rêu, mẹ âm thầm xõa tóc. Vừa gội đầu, vừa hong tóc, vừa gửi những dòng nước mắt xuống lòng sâu. Mùa mưa lũ, đầu nguồn trôi về những tảng bọt đục ngầu cuộn xiết, lặn hút vào từng chiếc xoáy mắt trâu, mẹ cố nén tiếng nấc đang dồn lên nghèn nghẹn cổ họng. Khi nước mắt mẹ tôi gần như đã cạn giống dòng sông quê lửng lơ dưới lớp phù sa bồi tụ sau mưa lũ, cha tôi mới trở về.
Tôi không sao quên được từng bước đi loạng choạng của cha sau những cơn sốt rét, suy nhược. Thế nhưng ông vẫn buộc chiếc liềm vào cây sào trẩy xuống những chùm bồ kết phơi ở mé hiên. Cha bảo tôi: “Để mẹ mang ra bến gội đầu. Mình sẽ trồng thêm một cây bồ kết nữa. Đủ cây mẹ và cây con”.
Bây giờ, cuộc sống của tôi đã thuộc về một khung trời khác. Khung trời của nước máy, tóc nhuộm, móng tay sơn… Có lẽ, cha mẹ tôi cũng chẳng kịp chạnh lòng, buồn tủi bởi họ đã ngập vào bao niềm lo toan nối tiếp lo toan. Mỗi đợt con nước lớn đổ về, mẹ tôi lại bị chứng đau đầu hành hạ. Những chuyến ngược ngàn của cha ám ảnh như một vết thương chẳng thể kéo da non. Nhiều ánh mắt lo âu mỗi lúc mẹ lần hồi ra sông xõa tóc.
Còn cha tôi, ông vẫn ngồi phía sau mẹ, trong tấm áo bạc màu. Tuổi tác, bệnh tật khiến mắt cha đục mờ, lắm khi ngồi phơi bồ kết còn bị gai đâm nhưng ông chưa bao giờ rời mắt khỏi dáng ngồi nhiều nhọc nhằn, buồn thương của mẹ. Bao năm qua, tôi như thân cá nhỏ ngược dòng, cứ mặc nhiên vẫy vùng rồi cồn cào nhớ nhung trước sự bao dung từ mạch nguồn sâu thẳm.
Tôi gặp bóng cha trong bóng nắng mỗi ngày. Và trong từng hình ảnh về những người đàn ông, tôi luôn thầm liên tưởng tới cha như một lẽ tự nhiên. Điều ấy bắt đầu chính cả khi tôi còn nhỏ, sống gần cha. Tôi nghe tiếng cha mình hòa trong giọng nói ôn tồn của ông chủ hiệu sách cũ. Tóc ông pha sương, mắt đeo kính lão. Ông chỉ cho tôi cách nâng một cuốn sách trên tay. Với sách, phải là nâng chứ không thể cầm nắm như bao nhiêu vật thể khác trên đời. Biết nâng sách, giở sách rồi tôi mới bắt đầu đọc. Ông có hẳn một giá sách cũ kê sát khung cửa sổ nhìn ra hồ sen xuân hè ngan ngát, thu đông quạnh lòng. Khi vãn khách, ông ngả lưng trên ghế mây, đẩy mục kỉnh trượt xuống sống mũi và nâng một cuốn sách trên tay.
Ngày bỡ ngỡ lên thành phố học, tôi gặp người họa sĩ mái đầu pha tóc bạc, chỉ cho tôi bức tranh ông vẽ bằng cảm hứng qua ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên “Xin ngủ dưới vòm cây” được xếp đặt cuộc triển lãm có khá đông tân sinh viên thưởng lãm. Tôi bỗng cay mắt vì gặp lại một vòm thiêng êm ái như mây, gặp lại những ngón tay gầy mòn, thô ráp của cha tôi thuở ấy. Người họa sĩ hỏi tôi cảm nhận gì trước bức tranh kia. Tôi nói, tôi gặp lại một giấc mơ được nhắm mắt dưới vòm cây và bay đến tận chân trời.
Quẩn quanh mãi với Hà Nội phố, tôi lại chạm vào hình bóng cha khi quay về chốn vỉa hè quen thuộc số 61 Hàng Đường. Ông Khang - “người bạn già” của tôi ngồi lặng lẽ giữa bức tường loang lổ, chậm rãi lần từng mũi kìm sửa phéc-mơ-tuya… Số năm ông ngồi trên vỉa hè này nhiều gấp mấy lần số tuổi của tôi cộng lại. Hà Nội trải qua bao thăng trầm, vậy mà hơn 60 năm qua, ông Khang vẫn ngồi vỉa hè, âm thầm chứng kiến bao sự đổi thay, được mất. Như cha mẹ tôi, ngay cả khi miền quê bình yên rục rịch đô thị hóa, vẫn mãi một bến sông, bóng hình ký ức. Những vật dụng quanh ông Khang tất thảy đều cũ kỹ. Chiếc tủ nhôm, hộp gỗ, hộp da, quạt con cóc kêu như chú ve sầu đến những chiếc kìm mòn bóng vết thời gian… Tất cả nhoi nhói vào tôi niềm nhớ.
Thành phố nơi tôi đang sống, có những nỗi ồn ã, xôn xao không giới hạn đêm ngày, nhưng cũng là nơi kỷ niệm được sưởi ấm khi tôi gặp đâu đó bóng dáng cha mình, một khu vườn thênh thang, bao dung, sẵn lòng đón đợi. Ở đó, tôi luôn được nhìn thấy những đóa hoa đồng nội hé nở như một cuộc tẩy trần sau trận mưa giông đùng đoàng sấm chớp. Ở đó, tôi gặp những buổi mai sương tháng Chạp, lũ trẻ quê để chân trần, lon ton theo dáng mẹ quẩy gánh nước tưới ngô non ngoài bãi sông. Mùi đất ẩm, mùi cỏ non, mùi hạt giống đội đất nảy mầm, mùi hoang hoải than tro mùa vụ… lần lẫn vào nhau rồi mỗi khi gió nổi lên như thể cuộn tròn bay mãi đến lưng lửng dòng sông thì dừng lại, quánh thành lớp khói miên man.
Từ khu vườn ký ức của cha luôn dấy lên thăm thẳm, tôi tìm lại được đâu đó xa ngái những buổi đợi bà đi chợ xa bên bến sông, lẩn nhẩn vài viên kẹo bột trong lần áo cánh sờn từ tảng sáng đến non trưa, có lúc tôi chợt hình dung bên trong làn khói ấm xa xa kia có sắc màu pha trộn lạ lùng của những bông hoa nghệ cả năm hiếm hoi được đôi lần bật sáng góc vườn, kế đến là màu cúc vạn thọ, hoa đuôi chồn… phất phơ trên tay trẻ con mùa giá rét. Ở khu vườn của cha, luôn chất chứa thanh âm vang vọng, luôn gợi sắc màu vàng tía xanh mơ, vừa gợi thanh âm như chuông chùa thẳm vắng.
Tôi biết rằng, dầu xa những đứa con, dầu bến sông xưa chỉ còn cha mẹ và những người già trong làng, thì mỗi mùa xuân đến, cha sẽ vẫn trồng thêm mấy gốc đào. Bàn tay gầy mòn, chai sạn phạt cỏ đến đâu thì nơi ấy lộ ra đất đai sỏi đá. Và rồi, mỗi dịp trở về, từ phía xa, chúng tôi luôn thấy vạt hoa đào hồng phai giữa mảng đồi trắng xóa như mảnh chăn xuân bừng sáng. Giản dị, ấm nồng, bao bọc mọi giấc mơ./.