Aa

BSC: Ngành BĐS khu công nghiệp sẽ tăng trưởng dài hạn kể từ năm 2021

Thứ Bảy, 25/04/2020 - 11:20

Về dài hạn, BSC đánh giá ngành KCN sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong quý I/2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch Covid-19 tác động lớn tới quyết định của các nhà đầu tư cũng như quyết định mở rộng quy mô dự án, khiến cho thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đánh giá của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngành khu công nghiệp (KCN) năm 2020 sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực do quan ngại nhà đầu tư về đại dịch, việc thực địa các KCN để tìm kiếm địa điểm làm nhà máy cũng sẽ bị trì hoãn.

BSC cũng cho rằng ngành KCN năm 2020 KQKD sẽ bị sụt giảm nhẹ do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiến độ thuê. Tuy nhiên về dài hạn (2021 trở đi) sẽ tăng trưởng tích cực do (1) Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), kỳ vọng tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; (2) Dịch bệnh Corona có thể khiến các nhà máy thúc đẩy kế hoạch rời khỏi Trung Quốc hơn dự kiến để bảo vệ công nhân viên của họ và ổn định hoạt động, dịch chuyển sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam; (3) Các dự án đầu tư công đang được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư và ngành khu công nghiệp được hưởng lợi trong dài hạn.

Tiến hành stress test một số doanh nghiệp trong ngành để kiểm tra sức khỏe tài chính của doanh nghiệp với giả định công ty không tạo ra doanh thu và dòng tiền mới, nhưng vẫn phải chi trả 50% chi phí hoạt động, chi phí lãi vay, khoản phải trả ngắn hạn, BSC thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp ngành KCN đều có khả năng duy trì hoạt động với thời gian khá dài do lượng tiền mặt của doanh nghiệp lớn (SIP, NTC, MH3, SZL…).

Nhóm KCN có thể duy trì hoạt động trong thời gian dài nhờ lượng tiền mặt dồi dào (Nguồn: BSC)

Hệ số Nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu của ngành có mức trung bình đạt 0,13 cho thấy các doanh nghiệp không có nhiều áp lực trả nợ và lãi vay, cho thấy sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp khá tốt, không đáng lo ngại.

Cơ cấu tài chính nhóm KCN tương đối lành mạnh (Nguồn: BSC)

BSC đánh giá quan điểm đầu tư Trung lập năm với ngành KCN năm 2020 do tác động đại dịch Covid khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm lại và việc tiến hành thực địa các KCN để xây nhà máy cũng bị trì hoãn ít nhất đến khi dịch bệnh được khống chế (sớm nhất tháng 6/2020).

Tuy nhiên về dài hạn, BSC đánh giá, ngành KCN sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công. Một số doanh nghiệp có quỹ đất lớn, có khả năng hưởng lợi từ đầu tư công như KBC, IDC, BCM, PHR, SZC,…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top