Giai đoạn từ cuối 2018 cho tới quý III/2019 là thời kỳ “hoàng kim” của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Thời điểm đó, nhóm cổ phiếu này nói riêng và cả ngành bất động sản khu công nghiệp nói chung được cho là hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này đã làm chuyển dịch ngành nghề kinh doanh toàn cầu và hoạt động thuê khu công nghiệp, nhà xưởng ở Việt Nam diễn biến tốt lên bất ngờ do Việt Nam có những điểm thuận lợi như vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện giữa các nước trong khu vực.
Thậm chí, vào thời điểm đó, có thể thấy được xu hướng chuyển dịch ngành nghề kinh doanh của một số đơn vị từ trồng cao su sang làm khu công nghiệp. Các cổ phiếu khu công nghiệp hay cả nhóm định hướng sang ngành nghề “hot” này cũng đều bứt phá rất mạnh, mức tăng hầu hết đều trên 30%, thậm có những cổ phiếu tăng đến 80% sau chưa đầy nửa đầu năm 2019 như PHR hay NTC.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2019, nhà đầu tư có thể thấy được sự trầm lắng trở lại ở nhóm cổ phiếu này và nhiều mã trong số đó cũng điều chỉnh đáng kể. Thậm chí, dù có kết quả kinh doanh khá tốt, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng không đi ngược được xu hướng của thị trường chứng khoán nói chung trong những tháng đầu năm 2020 do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Kết quả kinh doanh các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản năm 2019 cũng khá tích cực. Đầu tiên, phải kể đến BCM khi đạt gần 8.300 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế đạt 2.673 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2018 và vượt 57% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Tiếp đó là SNZ với 1.192 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 46% so với năm 2018, vượt 44% kế hoạch năm. KBC cũng ghi nhận lãi sau thuế 1.080 tỷ đồng năm 2019, tăng 33,5% so với cùng kỳ và vượt hơn 4% kế hoạch năm.
Triển vọng phát triển sẽ khó khăn hơn do Covid-19
Theo báo cáo của JLL Việt Nam, trong quý I/2020, nhu cầu thuê đất vẫn ở mức cao nhờ vào nền tảng phát triển công nghiệp tốt của Việt Nam được đề cập tư những quý trước. Tuy nhiên, từ tháng 2 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, việc hạn chế di chuyển giữa các khu vực đã khiến các giao dịch bị đình trệ do các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, không thể trực tiếp thực địa và làm việc với chủ đầu tư khu công nghiệp. Các giao dịch thành công trong quý chủ yếu là đã được thực hiện trước dịch. JLL đánh giá Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.
Tuy nhiên, dưới tác động của Covid-19, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới sẽ có khả năng ngày càng rõ nét hơn nếu tình hình không sớm cải thiện. Dù vậy, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, khi họ đã quá phụ thuộc vào một quốc gia. Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất - vốn đã được đẩy nhanh vì căng thẳng thương mại vào năm ngoái.
Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong thời gian dịch Covid-19, các hoạt động xây dựng hạ tầng hay bàn giao khu công nghiệp tại các tỉnh thành nhìn chung có bị tác động, nhưng ở mức độ nhỏ.
Điểm nổi bật là số lượng các doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các khu công nghiệp trong 3 tháng đầu năm bị sụt giảm rõ rệt, do dịch lan rộng tại đa phần các nước có dòng FDI lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU,... dần đến hạn chế quá trình đi lại và tiếp xúc. Sau khi dịch cúm kết thúc, kỳ vọng sẽ hồi phục lại quá trình này.
Tuy nhiên, VDSC có cái nhìn khá thận trọng về triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp thời gian tới khi cho rằng bức tranh sẽ không còn tích cực như đỉnh cao 2018 - 2019, khi toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng sau đợt dịch này.