Aa

Bức tranh “thiếu sáng” của thị trường bất động sản cuối năm

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 11/10/2018 - 02:21

Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2018 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách công bố ngày 10/10 đã đưa ra dự báo rằng, với chính sách kiểm soát chặt tín dụng, thị trường bất động sản trong thời gian tới có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng đi xuống.

Theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2018, thị trường căn hộ đang đi vào vũng trũng. Sau quý II sụt giảm cả về lượng mở bán mới và doanh số bán ra, thị trường căn hộ trong quý III/2018 không có nhiều khởi sắc, thậm chí có phần sụt giảm. Quan niệm tháng 7 âm lịch không tốt cho hoạt động kinh doanh mua bán là một phần nguyên nhân dẫn tới giao dịch thường không cao trong quý III.

Dẫn nguồn từ CBRE Việt Nam, Báo cáo chỉ ra rằng, tại thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung căn hộ để bán mới trong quý III đạt 5.000 căn, giảm tới 23,5 % so với quý II/2018 và giảm gần 40,0% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lượng căn hộ bán ra cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể khi chỉ có 4.300 giao dịch thành công, giảm tới 21,0% so với cùng kỳ năm trước và cũng giảm 27,1% so với quý II/2018.

Tại TP.HCM, tuy lượng mở bán mới cao hơn quý II/2018, số giao dịch thành công cũng chứng kiến sự giảm tương đối mạnh như thị trường Hà Nội. Cụ thể, số căn hộ mở bán mới trong quý là 6.711 căn, tăng 9,9% so với quý II/2018 nhưng giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, lượng bán ra đạt 6.568 căn, thấp hơn một chút so với quý II/2018 (6.947 căn) và giảm gần 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Phân khúc trung cấp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo cả về nguồn cung và lượng bán ra. Một số dự án thuộc phân khúc trung cấp với quy mô lớn sẽ được chào bán ra trong quý IV/2018 được dự báo sẽ giúp cho phân khúc này tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về nguồn cung, chiếm khoảng 60% nguồn cung thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nếu so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ KH&ĐT, trong 9 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về tổng vốn đăng ký FDI với 5,85 tỷ USD, chiếm 23% tổng FDI đầu tư vào Việt Nam. Con số này chêch lệch với năm 2017 (4,5%) tương đối nhiều, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy nhiều tiềm năng của thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Một điểm đáng lo ngại hiện nay đó là Chỉ thị 04 về kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cùng với nguy cơ giá tài sản giảm do lãi suất có thể có khả năng tăng khiến thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn có thể đối mặt với sự đi xuống.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản là một ngành hút nguồn vốn lớn từ trong xã hội. Việc kiểm soát chặt tín dụng mà Chỉ thị 04 đưa ra là cần thiết để đảm bảo giữ sự bình ổn cho toàn nền kinh tế khi thị trường bất động sản có nhiều phân khúc tăng trưởng nóng và cung lớn hơn cầu.

“Các ngân hàng đều có xu hướng bỏ tiền vào lĩnh vực bất động sản bởi đây là ngành “béo bở”. Nhưng khi thị trường bất động sản đi xuống sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro mà nạn nhân đầu tiên chính là ngân hàng, sau đó là các khách hàng và cuối cùng nền kinh tế bị biến động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top